Đóng được tàu “mừng hơn cưới vợ”
Có một “ngôi nhà” to, vững chãi, đi lại được nhiều ngày trên biển, đựng được nhiều cá tôm, mang được nhiều ngư cụ và có thể vững vàng trước sóng gió biển Đông, bảo vệ chủ quyền của đất nước… là giấc mơ của nhiều ngư dân. Giấc mơ đó đã được hiện thực hóa khi dòng vốn ngân hàng đang chảy dần ra biển cùng Nghị định 67.
Nở nụ cười tươi trên khuôn mặt đỏ au vì nắng và gió biển, anh Trần Quân (trú tại thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên Huế) đưa chúng tôi lên con tàu 67 mới tinh đang được lắp đặt máy, hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi chuẩn bị vươn khơi. Đây là một trong 3 con tàu 67 đầu tiên của Huế được vay vốn từ Agribank.
Agribank là ngân hàng tích cực trong việc cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 |
“Cả họ tôi làm biển lâu đời, nhưng chưa bao giờ có chiếc tàu to như thế này. Ngày tàu hạ thủy, tôi mừng hơn cả cưới vợ luôn. Với chiếc tàu to này, chúng tôi không chỉ có thể đánh bắt nguồn lợi hải sản ở biển xa, mà còn có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo”, anh Quân chia sẻ và cho biết, chiếc tàu này có công suất 650 CV, tổng kinh phí đóng mới và trang bị ngư lưới cụ hơn 9,6 tỷ đồng.
Theo anh Quân, anh được Agribank cho vay 70% vốn, còn lại là anh tự bỏ ra. Việc vay vốn hết sức suôn sẻ, vướng ở đâu là chính quyền địa phương và Agribank Chi nhánh Phú Vang (Thừa Thiên Huế) hỗ trợ giải quyết nhanh chóng đến đó. Nếu suôn sẻ, mỗi năm, chiếc tàu 67 này sẽ mang về 2 tỷ đồng và chỉ sau 2 -3 năm, gia đình anh sẽ trả hết nợ cho Agribank.
Cũng giống hộ anh Trần Quân, ông Võ Minh Bình (Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị) đã nộp 750 triệu đồng vốn đối ứng vào Agribank Gio Linh để chuẩn bị ký hợp đồng vay 12 tỷ đồng đóng tàu thép trị giá 14,5 tỷ đồng theo Nghị định 67. Với chiếc tàu thép này, Agribank cho hộ gia đình ông vay 95% vốn.
“Nếu không có Nghị định 67 thì không ai đóng được tàu sắt. Tôi đã có một tàu gỗ, nhưng ra ngư trường xa, nhìn ngư dân nước bạn có tàu vỏ thép, được trang bị hiện đại mà thích lắm nhưng không đủ lực. Vậy nên, khi có chủ trương của Chính phủ và được Agribank cho vay đến 95% vốn, tôi quyết tâm đóng tàu”, ông Bình nói.
Với chiếc tàu gỗ hiện tại, bình thường mỗi chuyến biển, ông Bình chỉ đi được 7-10 ngày, nhưng với chiếc tàu thép này, thời gian đi biển có thể tăng lên gấp 3 lần, quy mô hầm cá, ngư lưới cụ tăng gấp 4-5 lần, lãi cũng sẽ cao hơn. “Hơn nữa, ra biển xa, có vấn đề gì thì chỉ tàu thép mới ‘đọ’ được”, ông Bình nói và chia sẻ thêm, thông thường, 3 tháng đánh cá mùa đông bằng cả năm đánh cá mùa hè, song mùa đông là mùa biển động nên tàu gỗ rất nhiều rủi ro.
Yên tâm vươn khơi bám biển
Một trong những lo ngại của người dân khi vay vốn đóng tàu 67 là vốn nhiều mà hiệu quả chưa biết sẽ ra sao. Tuy nhiên, kết quả chuyến đánh bắt của con tàu 67 đầu tiên tại Huế của ông Phan Văn Chinh (Thuận An, Thừa Thiên Huế) cho thấy, với tàu 67, khả năng trả nợ và làm giàu của ngư dân là không khó.
Ông Chinh hồ hởi cho hay, trong chuyến biển đầu tiên vào tháng 7 vừa qua, tàu 67 của ông đã trúng đậm, dù chưa thật sự vươn khơi xa, bởi đây là chuyến thử nghiệm. Chỉ hơn 10 ngày ra khơi, tàu đã đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại, trong đó nhiều loài có giá trị cao. Nhờ bảo quản tốt, bán được giá, nên sau chuyến biển đầu tiên, trừ mọi chi phí, ông đã lãi 200 triệu đồng.
Ông Chinh dự định, những chuyến sau sẽ cho tàu đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn. Cho đến nay, chiếc tàu 67 của ông Chinh cũng là chiếc tàu gỗ có công suất lớn nhất cả nước. “Có được chiếc tàu công suất lớn không chỉ là điều kiện thuận lợi để vươn khơi bám biển dài ngày, làm giàu chính đáng, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Chinh nói.
Được biết, tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Agribank là ngân hàng tích cực nhất trong việc cho vay đóng tàu theo Nghị định 67. Tại Thừa Thiên Huế, trong tổng số 6 tàu được phê duyệt vay theo Nghị định 67 thì có tới 3 tàu của Agribank. Tại Quảng Trị, hầu hết tàu 67 đã được phê duyệt phương án vay vốn đều vay của Agribank.
“Trong thực hiện Nghị định 67, chúng tôi đã phối hợp chặt với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ngay ở đó”, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế cho biết.
Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Trị cũng khẳng định, sẽ tiếp tục cho thêm nhiều chủ tàu vay vốn đóng tàu vỏ thép, cũng như cải hoán tàu cá theo Nghị định 67. Ngoài ra, Agribank Chi nhánh Quảng Trị còn tiếp tục hỗ trợ vay vốn đối với các hộ ngư dân khai thác biển, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thu mua, xuất khẩu hải sản...
Được biết, không chỉ cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67, Agribank Chi nhánh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, suốt mấy chục năm qua, luôn đồng hành cùng nông dân, ngư dân, với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông dân....