Thế giới không chờ chúng ta!
Hội thảo này nhằm nhận diện vị trí, vai trò sáng tạo, khởi nghiệp và giải pháp nâng cao tính năng sáng tạo khởi nghiệp của các Khu công nghệ cao quốc gia, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Hội thảo đồng thời cũng đề xuất thể chế, cơ chế và giải pháp thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xây dựng phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp thực hiện thí điểm tại Khu công nghệ cao quốc gia Đà Nẵng.
Các nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo. |
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Khương, trong việc đổi mới khoa học công nghệ, thế giới không chờ chúng ta. “Lịch sử, lý thuyết và thực tiễn đều chỉ đến một bài học chung là đổi mới, sáng tạo là nền tảng cho đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Muốn làm được điều đó thì Chính phủ phải đóng vai trò chèo lái, điều tiết. Có chính sách tổng quan và lâu dài, có những khoản đầu tư mang tính kiến tạo, có những cải cách mạnh mẽ hướng tới một hệ sinh thái khởi nghiệp do chính khu vực tư nhân làm động cơ chủ đạo”, ông Khương phát biểu.
TS. Kum Dongwha – Viện khoa học công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc thì cho rằng, lịch sử nền văn minh chính là lịch sử khoa học và công nghệ. Các tiến bộ được thực hiện trong lĩnh vực công nghệ trở thành một thước đo cho sức mạnh quốc gia. Sự thật hiển nhiên, khoa học công nghệ chính là yếu tố dẫn dắt phá triển kinh tế xã hội và văn hoá. Vì thế, theo TS. Kum Dongwha, Chính phủ muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cần có các kế hoạch phát triển quốc gia với sự thống nhất và hỗ trợ mạnh mẽ của cấp lãnh đạo. Chiến lược cần phải trọng tâm và chọn lọc, cũng như tầm quan trọng của công tác quy hoạch công nghệ.
Còn các chuyên gia AVSE sau khi nghiên cứu mô hình quốc tế về phát triển các khu công nghiệp cao, cho rằng Việt Nam cần có 4 bài học cần đúc rút. Thứ nhất cần có sự chuyển dịch mạnh về cấu trúc, lĩnh vực hoạt động của Khu công nghệ cao. Mô hình kết hợp đào tạo – nghiên cứu – doanh nghiệp có thành công nhất định. Mô hình mới hơn trên thế giới là đào tạo – nghiên cứu – doanh nghiệp – công dân, trong đó công dân đóng vai trò chủ đạo thử nghiệm, ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu, kinh doanh và thực tiến cuộc sống. Để khu công nghệ cao phát triển bền vững thì cần thu hút được nhân tài, đào tạo được nhân tài tại chỗ và giữ chân được nhân tài thông qua hệ thống dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục…
Đã đến lúc hành động
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là buổi hội thảo đặc biệt, bởi đây là công việc đầu tiên, sau đó còn nhiều buổi làm việc nữa, để sau cùng đưa ra được mô hình, một số khuyến nghị cụ thể cho những cấp có thẩm quyền về đổi mới, sạng tạo.
Theo Phó thủ tướng, cuộc cách mạng 4.0 dù tranh luận có diễn ra hay không thì thực tế chúng ta đang sống trong đó. Thách thức và thời cơ của cách mạng 4.0 luôn đi đôi với nhau và bình đẳng với tất cả các quốc gia, tuy nhiên Việt Nam muốn tận dụng thời cơ thì khó hơn những nước đi trước mình.
“Nói gì thì nói, muốn tận dụng được cơ hội cuộc cách mạng 4.0 thì phải tăng cường sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Bây giờ phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin và những ngành khoa học công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Làm cách mạng 4.0 phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên cơ cấu lao động của chúng ta quá lạc hậu, 30 năm đổi mới chúng ta chuyển dịch khoảng 30% lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịc vụ. Đến thời điểm này chúng ta vẫn còn khoảng 39% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp. Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 5%. Chúng ta cần phải tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động 30% nữa. Bây giờ rất may là nước ta vẫn còn nằm trong giai đoạn dân số vàng, nhưng giai đoạn này còn khoảng 15 năm nữa thôi. Nếu không hành động ngay thì lợi thế đó không còn, lúc đó ta sẽ đối mặt với già hoá dân số, hệ quả rất lớn. Tôi nói cái đó nghe chừng không liên quan gì đến công nghệ 4.0 nhưng thực tế nó rất liên quan. Muốn thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp khoa học công nghệ, thì chúng ta phải tính hết những điều ấy”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. |
Theo Phó thủ tường, Chính phủ rất mong muốn tổ tư vấn của Thủ tướng, Viện Hàn lâm và các cơ quan nghiên cứu đề xuất những chính sách chung cho cả nước, tinh thần là làm việc cụ thể, làm cái gì, làm như thế nào?. Cần chọn 1 hay 2 điểm để làm thì điểm. Ví dụ đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng thì doanh nghiệp ở thành phố làm cái gì, trường đại học làm thế nào, nhân dân Đà Nẵng ra sao?. Những câu hỏi chung cho đó cho cả nước trước hết là đặt ra ở Đà Nẵng.
“Cả nước Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc thi đua với cả thế giới, để tranh thủ thời cơ của khoa học công nghệ mới hiện nay. Nếu chúng ta chậm lại hoặc hành động không hiệu quả thì chắc chắn chúng ta sẽ bị vượt qua. Chúng ta rất cần mô hình, cùng với đó là những giải pháp để tận dụng cho được thời cơ này. Cuộc cách mạng 4.0 đã nói nhiều rồi, bây giờ phải hành động, cụ thể 4.0 ở Việt Nam là làm gì, với Đà Nẵng thì cụ thể phải làm gì?. Tinh thần bây giờ là hành động, bằng những đề xuất kiến nghị cụ thể”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.