Cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ tăng doanh số đáng kể khi ứng dụng số hóa |
Hơn 200 tạp hóa “lên đời công nghệ” mỗi ngày
Hơn 1 năm qua, cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Thành ở phố Quán Thánh (Hà Nội) trở nên nổi bật nhờ xuất hiện biển hiệu tạp hóa thời công nghệ. Biển cũ xỉn màu “gia truyền” của anh đã được thay thế bằng biển màu đỏ của VinShop và VinID. Đó là thời điểm đại dịch bùng phát, thay vì tìm đến các nhà phân phối sỉ để nhập hàng, thì giờ đây anh chỉ cần ngồi tại chỗ để order (đặt hàng) về bán, từ kem đánh răng, dầu gội, bia, nước giải khát... sẽ được giao đến tận cửa nhà.
“Tôi có thể quản lý danh mục mua sắm hàng chục triệu đồng, đối chiếu nhu cầu mua đồ của người dân giữa các giai đoạn để điều chỉnh chủng loại mặt hàng cũng như số lượng nhập về”, anh Thành nói.
Tiết kiệm thời gian, nhiều tiện lợi là yếu tố khiến chủ tạp hóa truyền thống này dần chuyển sang mô hình “tạp hóa công nghệ”. Trong khi đó, vài tạp hóa đối thủ cùng phố, cách nhà anh khoảng 100 m cũng đều có gian hàng trực tuyến trên Shopee, Lazada…
Theo RedSeer Consulting, ước tính tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần.
Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống này đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khoảng 88% số lượng mặt hàng tiêu dùng nhanh vẫn được phân phối tới khách hàng qua kênh truyền thống.
Sự thay đổi về nhận thức của chủ tiệm tạp hóa trên không phải là trường hợp cá biệt. Xu hướng “online hóa” trong B2B sau đại dịch Covid-19 có nhiều lợi thế và cạnh tranh hơn so với bán hàng truyền thống. Kể từ khi có VinShop, cửa hàng tạp hóa truyền thống như nhà anh Thành hoàn toàn có thể đặt hàng qua ứng dụng, tức là đặt gần 10.000 mã hàng trên hệ thống và có thể đặt được 24/24h.
Ông Vũ Đức Tuấn, Giám đốc công nghệ sản phẩm VinShop (ứng dụng thuộc One Mount) cho hay, VinShop cũng có rất nhiều nhà bán lẻ đặt hàng vào nửa đêm hoặc canh vào sáng sớm để đón khuyến mại. Họ có thể đặt bất cứ thời gian nào trong ngày, kể cả Thứ 7, Chủ nhật. Nhân viên kinh doanh cài ứng dụng này thì có thể đi chào rất nhiều mặt hàng tại cùng một thời điểm mà không phải mất nhiều thời gian.
Hiện VinShop đã liên kết với hơn 100.000 tạp hóa tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước, là nhà phân phối số một thị trường qua kênh online cho tạp hóa. Trung bình mỗi ngày có hơn 200 tạp hóa “lên đời công nghệ” nhằm tận dụng các công cụ công nghệ, giải pháp tài chính, hưởng hơn 100 chương trình khuyến mãi mỗi tháng. Ước tính, một chủ cửa hàng tạp hóa sau khi dùng ứng dụng VinShop có thể tăng thu nhập lên khoảng tầm 10 triệu đồng mỗi tháng.
Tham vọng “cách mạng” thành công
Thị trường bán lẻ truyền thống của Việt Nam rất phân mảnh, các cửa hàng hoạt động độc lập, thường được điều hành bởi những chủ sở hữu có chuyên môn thấp, quyết định thường tùy ý, doanh thu được lưu trong sổ ghi chép và nguồn cung ứng hạn chế. Trong khi đó, các nhãn hàng và nhà sản xuất lại phải thông qua mạng lưới khổng lồ với nhiều cấp trung gian, từ nhà phân phối, nhà bán buôn, đến các nhà cung cấp, cửa hàng để phân phối sản phẩm.
Mô hình hoạt động này tồn tại nhiều lỗ hổng như khó kiểm soát chất lượng, dễ trà trộn các sản phẩm kém, thông tin phản hồi một chiều, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, nhưng không có chiều ngược lại. Đặc biệt, chi phí tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng cấp trung gian.
Việc đặt vấn đề “số hóa” các cửa hàng tạp hóa không chỉ có tại Việt Nam, mà trước đó đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. 5 năm trước, ông lớn công nghệ Trung Quốc là Alibaba đã triển khai ứng dụng mang tên Ling Shou Tong (LST). Thời điểm đó, việc dồn lực để phát triển ứng dụng này là ưu tiên hàng đầu của Alibaba, bởi nó sẽ giúp tên tuổi này tiếp cận được tầng lớp người tiêu dùng lớn tuổi, là những người thích mua sắm trực tiếp và giảm phụ thuộc vào doanh thu bán hàng trên mạng. Thực tế, trong giai đoạn Covid-19, LST đã vượt trội khi đem đến nhiều lợi ích, thậm chí có thể thay đổi toàn bộ cách vận hành thị trường bán lẻ.
Hay tại Ấn Độ, nền tảng mang tên StoreKing có tới hơn 50.000 đối tác cửa hàng và kết nối với khoảng 800 triệu khách hàng.
Ở thị trường Việt Nam, bên cạnh sự tiên phong, đầu tư mạnh mẽ theo kiểu “nhà không thiếu vốn” với ứng dụng VinShop của One Mount, còn có các dự án phát sinh lúc đại dịch hoành hành, thời điểm giãn cách ở Hà Nội và TP.HCM của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam và Liên minh Chuyển đổi số DTS, như dự án đưa tiểu thương các chợ lên sàn TMĐT hay Tạp hóa số.
Theo ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS, việc thực hiện tạp hóa số sẽ vất vả hơn nhiều so với dự án đưa chợ truyền thống, các tiểu thương lên sàn TMĐT. Nguyên nhân là do đối tượng kinh doanh tiệm tạp hóa có độ tuổi trung bình cao hơn và khả năng thương mại cũng thấp hơn do mô hình là tận dụng mặt bằng sinh sống và sử dụng nguồn lực rảnh rỗi như người già, trẻ em…
Mặc dù vậy, VinShop vẫn đặt tham vọng tạo ra “cuộc cách mạng” chuyển đổi số cho 1,4 triệu tiệm tạp hóa tại thị trường Việt Nam, trở thành điểm kết nối và gia tăng quyền lợi cho tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng.
Hiện VinShop đạt được độ phủ đến 100.000 GT (General Trade - kênh phân phối truyền thống) đã tạo ra cơ hội rất lớn khiến các nhà cung cấp khó mà từ chối. Mặc dù vậy, đại diện VinShop cũng thừa nhận, nhà sản xuất vẫn thuộc dạng phòng vệ, họ rất thận trọng với những thứ mới.
Thị trường bán lẻ cạnh tranh quá khốc liệt, mảng siêu thị, các cửa hàng tiện lợi vẫn được các tên tuổi đầu tư mở rộng, thị phần các cửa hàng tạp hóa sẽ bị teo tóp. Vấn đề cần làm là các tên tuổi công nghệ đứng ra “khơi mào” đưa những cửa hàng tạp hóa chuyển đổi để bắt nhịp xu thế chung của thị trường.