Gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng là lý do nhiều tiểu thương tìm đến hệ thống cầm đồ hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính |
Nắm phân khúc mà ngân hàng không “sờ” tới
Đinh Tiến Đạt, chủ một shop quần áo rộng chừng 30 m2 tại đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện cầm cố đồ đạc để vay tiền, nếu như cửa hàng của anh không bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn vào cuối năm ngoái. May mắn không thiệt hại về người, nhưng Đạt mất toàn bộ số hàng hóa trị giá gần 1 tỷ đồng, mà phần lớn là quần áo cao cấp được nhập từ Quảng Đông (Trung Quốc).
Theo số liệu thống kê của FiinGroup (trước đây là StoxPlus), có khoảng 48% dân số Việt Nam có thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng, tức dưới 7 triệu đồng/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.
Ước tính, riêng ở Hà Nội, hiện có khoảng 2.000 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có 2.500 cửa hàng cầm đồ, trong đó có một số chuỗi lớn như: F88, VietMoney, Camdonhanh.vn, Người bạn vàng...
“Tôi cần vốn để chuyển cho các đầu mối lấy hàng. Thời điểm này, những lô hàng đó sẽ bán được ngay khi về cửa hàng, đa số đã được khách hàng đặt trước”, Đạt nói.
Trong khi thất vọng với thủ tục và thời gian vay vốn từ ngân hàng, Đạt được người bạn giới thiệu tới một cửa hàng cầm đồ, nơi anh có thể vay tiền gần như ngay lập tức.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ gõ cửa các cửa hiệu cầm đồ, vì từ trước đến nay, các cửa hiệu cầm đồ thường có mức lãi cao và vẫn bị cho là không văn minh, dễ dính đến các thành phần đòi nợ thuê. Nhưng trong tình thế đó, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác”, Đạt nói.
Chưa đầy 24 giờ sau khi cầm cố chiếc đồng hồ Rolex và số trang sức có trong tay, Đạt nhận được 300 triệu đồng từ cửa hàng cầm đồ. Lô hàng nhập về bán nhanh hơn dự kiến và chưa đầy một tháng sau, Đạt đã có thể lấy lại đồng hồ và trang sức sau khi trả cả gốc lẫn lãi cho tiệm cầm đồ.
“Khi kinh doanh, đôi khi việc vay được tiền ngay là rất quan trọng. Tôi biết mình có thể trả đúng hạn khoản vay và đó là điều duy nhất cần tính tới khi gõ cửa các tiệm cầm đồ”, Đạt chia sẻ. Những điều Đạt lo lắng khi quyết định đi cầm đồ tại một cửa hiệu truyền thống là lãi suất cao khiến món tiền để chuộc lại đồ quá lớn; gặp phải những đối tượng xấu, cầm cố không minh bạch hoặc không đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn tài sản cầm cố… đã không xảy ra.
Trường hợp của Đạt đang khá phổ biến, khi việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn đối với các tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết các hãng cầm đồ đều lãi lớn trong thời gian qua, nhất là giai đoạn Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các tiểu thương, khiến nhiều hộ gia đình thất nghiệp.
Đại diện một thương hiệu cầm đồ chuyên nghiệp ở quận Long Biên cho biết, lượng khách tiểu thương của họ tăng đến hơn 30% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020. Chính thủ tục phức tạp của các ngân hàng đã mang tới cơ hội cho các chuỗi dịch vụ cầm đồ này. “Trong kinh doanh, tốc độ là điều quan trọng nhất”, đại diện này khẳng định.
Những khách hàng như Đạt là một trong 3 phân khúc mà chuỗi cầm đồ T99 mới ra mắt gần đây nhắm đến. Đây là mô hình thực hiện thu tiền góp theo ngày hoặc tuần.
Với nguồn vốn điều lệ lên tới 1.300 tỷ đồng, T99 kỳ vọng sẽ đạt 500 phòng giao dịch trên toàn quốc trong 3 năm tới và có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. “Hao hụt tài chính, cạn tiền là một trong những khó khăn mà trong đời ai cũng có thể phải nếm trải. Lợi thế của chúng tôi so với hình thức khác là nhận tiền ngay, thủ tục đơn giản, thời gian vay và trả nợ linh hoạt”, ông Lê Xuân Việt, Tổng giám đốc T99 cho biết.
Lực hút
Cầm đồ là ngành nghề kinh doanh đã có lịch sử hơn 2.000 năm và được không ít quốc gia xem là ngành nghề hợp pháp. Nếu nhìn vào danh mục tài sản được cầm cố, người ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy cả những chiếc Ferrari, các tác phẩm nghệ thuật hay những bộ sưu tập tem, thậm chí cả chai rượu quý lâu năm…
Ở Italia, ngành cầm đồ rất sôi động với văn hóa mang vàng ra cửa hiệu cầm đồ của người dân xứ sở tháp nghiêng Pisa. Ở Trung Quốc, ngành cầm đồ có lịch sử phát triển từ rất lâu đời và vẫn đang hoạt động mạnh. Tại Thái Lan, các thương hiệu SAWAD, Muangthai Capital, Group Lease… là địa chỉ được rất nhiều người tìm đến khi bị từ chối cho vay vốn bởi hệ thống ngân hàng. Các doanh nghiệp cầm đồ Thái Lan cũng đang từng bước mở rộng thị trường và thị phần tại Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau.
Chẳng hạn, một trong 2 cổ đông nắm 30% cổ phần tại VietMoney và cùng tham gia vào Hội đồng Quản trị chuỗi cầm đồ này là Quỹ đầu tư Probus Opportunities có trụ sở tại Thụy Sĩ, thuộc Probus Group cũng đang là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan.
Tên tuổi này đã có mặt ở thị trường Việt Nam đầu năm 2019 khi tuyên bố sẵn sàng chi hơn 523 tỷ đồng mua lại Công ty Cho thuê tài chính Nông nghiệp I (ALC I) của Ngân hàng Agribank. Số tiền này bao gồm cả 200 tỷ đồng vốn điều lệ và phần nợ gốc đã vay. Trên thực tế, Srisawad đã thành lập công ty con ở Việt Nam từ năm 2015, với số vốn điều lệ đăng ký là 200 triệu baht. Điều đáng chú ý hơn, trụ sở chính “tiệm cầm đồ” của người Thái lại đặt tại TP. Vinh (Nghệ An). Đến nay, Srisawad đã có 40 chi nhánh và phòng giao dịch ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tại Việt Nam, Srisawad hoạt động theo mô hình tiệm cầm đồ, cho vay tiêu dùng, trả góp và tập trung nhiều vào xe máy, ô tô, cả mới lẫn cũ (cầm giấy tờ xe). Cách đây 3 năm, Srisawad cũng bắt đầu cho vay thế chấp.
Ở thị trường Thái Lan, Srisawad cũng cho vay tiêu dùng cá nhân, bao gồm các khoản vay thế chấp (với tài sản thế chấp là nhà đất, xe...), các khoản vay tín chấp và các hoạt động quản lý nợ khác. Hiện Srisawad là một trong những tổ chức cho vay lớn nhất về xe máy và ô tô (khoảng 40% danh mục cho vay mua ô tô) với gần 2.500 chi nhánh và đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ.
Mặt trái của loại hình dịch vụ “nhạy cảm”
Bên cạnh nỗ lực làm mới của các doanh nghiệp cầm đồ trên khắp thế giới, mặt trái của ngành dịch vụ được gọi là “nhạy cảm” này vẫn đang tồn tại song song.
Tại Việt Nam, dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn xảy ra biến tướng và có tác động tiêu cực đến xã hội. Nhiều chủ tiệm cầm đồ thừa nhận, kinh doanh cầm đồ dễ trở thành “sân sau” của tín dụng đen, hoặc trở thành nơi tội phạm tiêu thụ, cầm cố tài sản vi phạm pháp luật.
Dù vậy, sự thuận tiện của Internet cũng như thay đổi trong quan niệm xã hội đã giúp dịch vụ cầm đồ có phần dễ được chấp nhận hơn trong thời gian gần đây. Người có nhu cầu vay tiền tìm đến, cầm cố tài sản và ngay lập tức nhận được các khoản vay ngắn hạn.
Vài năm trở lại đây, ngành dịch vụ cầm đồ trở thành lực hút lớn với sự tham gia tích cực và mở rộng thị trường của nhiều tên tuổi lớn, mà hầu hết đều có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.
Đơn cử, các cổ đông của T99 đều đang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các công ty khác nhau ở thị trường Việt Nam. Trong đó, có ông Bang Min Kyu, Tổng giám đốc UST Vina và ông Simon Chadwick Jinks, quốc tịch Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mỹ Việt.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua chuỗi F88. Chuỗi này ra đời năm 2013 và đang dẫn đầu thị trường về phân khúc khách hàng cho vay cầm cố có tài sản tại Việt Nam. F88 gây ấn tượng mạnh với thị trường về tốc độ phủ sóng và hiện đã có khoảng 240 phòng giao ở 35 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. F88 đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính đạt quy mô 1.000 phòng giao dịch vào năm 2023.
Để có lực đẩy, giữa năm 2020, F88 bắt tay với Tập đoàn Tài chính KB (KB Financial Group - Hàn Quốc) với mục đích được tư vấn và thu xếp nguồn vốn nhằm phát triển thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính, cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách hàng.
Trước thực tế phát triển dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, mô hình cầm đồ cần được chuẩn hóa với hành lang pháp lý minh bạch. Thậm chí, ở khu vực Đông Nam Á, mô hình cầm đồ phát triển nhanh và minh bạch vì một số thương hiệu có sở hữu cổ phần của chính phủ hoặc chính quyền địa phương.