Chính vì vậy, “cứu doanh nghiệp” là cụm từ được thường xuyên nhắc tới tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo và trở thành một trong những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại nghị trường sáng qua (31/10/2013) về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.
| ||
Cần tiếp tục sử dụng các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế mạnh hơn để vực dậy sức khỏe của các doanh nghiệp |
Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, từ đầu năm đến nay, ngành tài chính đã miễn, giảm, gia hạn thuế cho hàng chục ngàn tổ chức, cá nhân. Nhưng số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, “ăn vào” vốn vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy, liều lượng hỗ trợ (khoảng 6.600 tỷ đồng) là chưa đủ và chưa trúng, vì chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa có thu nhập chịu thuế mới được hưởng.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu không tiếp tục sử dụng các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế mạnh hơn nữa, thì số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, chứ không dừng lại ở con số 42.460 như hiện nay (chưa kể hơn 20.000 doanh nghiệp bỏ trốn), tăng 13% so với quý III/2012.
Tại cuộc đối thoại thường niên giữa ngành tài chính và cộng đồng doanh nghiệp phía Bắc vào giữa tuần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định rằng, miễn, giảm, gia hạn thuế không hề ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Điều này có nghĩa là, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; giảm tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất hoàn toàn có thể thực hiện sâu hơn, rộng hơn với tất cả doanh nghiệp, chứ không khu biệt chỉ áp dụng với một số ngành hàng, lĩnh vực, quy mô vốn, quy mô lao động như đã từng được thực hiện suốt từ năm 2009 đến nay.
Về cơ bản, mặt bằng thuế suất của Việt Nam thấp hơn thế giới và khu vực. Nhưng đó là trên lý thuyết. Còn thực tế, rất nhiều khoản chi phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không được tính khi xác định thu nhập chịu thuế đã khiến thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 30-35%, chứ không phải là 25% (kể từ 1/1/2014 xuống còn 22%). Tương tự, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của Việt Nam không hề thấp do nhiều khoản doanh nghiệp chi khuyến mãi, quà tặng, đãi ngộ cho người lao động hoặc khách hàng, đối tác không bằng tiền đều quy về thu nhập để đánh thuế. Bởi vậy, không cần phải sửa đổi các luật thuế, ngành tài chính chỉ cần “tính đúng, tính đủ” đúng như câu slogan của ngành thuế, thì chắc chắn sẽ giảm được sức ép về tài chính, giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh cho rất nhiều doanh nghiệp .
Ngoài thuế, cần triển khai quyết liệt các giải pháp khác đã được đề ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ như giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu... Thực tế cho thấy, việc thực hiện một số giải pháp theo Nghị quyết 02 còn chậm, thậm chí, theo đánh giá của một số đại biểu Quốc hội, công tác triển khai tại một số địa phương, ngành còn mang tính chiếu lệ.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện được ví như cơ thể rất yếu nên cần phải điều trị bằng nhiều liều thuốc hữu hiệu và đủ mạnh. Hơn lúc nào hết, ngoài những giải pháp mà đại biểu Quốc hội đề xuất, kiến nghị, cơ quan quản lý cần nghiên cứu áp dụng ngay việc hoàn hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp, thanh toán 80.000 tỷ đồng tiền nợ xây dựng cơ bản... bởi nếu đợi đến năm tài khóa 2014 thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp “một đi không trở lại”. Khi đó, năng lực, sức cạnh tranh của số doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2014 tùy thuộc rất lớn vào sức khoẻ của doanh nghiệp. Một nền kinh tế muốn mạnh phải có cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Do vậy, cứu doanh nghiệp chính là cứu nền kinh tế.
Mạnh Bôn