- Ngày mai, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài hầu tòa
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 2: “Độc chiêu” thao túng công quyền
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 3: Giải mã tham nhũng đất công
- “Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 4: Chặt đứt, chặn đứng tham nhũng
Bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị áp gải đến tòa từ sớm. |
Sáng ngày 16/9, Tòa án nhân dân TP.HCM bắt đầu ngày xét xử đầu tiên đối với cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các đồng phạm của ông Tài gồm 4 bị cáo khác là Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần đầu tư Lavenue), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường).
Trong ngày xét xử đầu tiên, các bị cáo được đưa đến tòa từ rất sớm. Công tác kiểm tra an ninh cũng được siết chặt. Phóng viên báo đài chỉ được theo dõi qua màn hình tivi tại một khu vực riêng.
Mở đầu phiên xét xử, Hội đồng xét xử làm thủ tục kiểm tra thông tin các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài là người được Hội đồng xét xử xét hỏi đầu tiên, sau đó là các đồng phạm và các người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa.
Liên quan đến vụ án, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra quyết định triệu tập 26 cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên xử ông Tài. Ngoài ra, tòa án còn triệu tập hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương và người giám định.
Tuy nhiên, trong ngày xét xử đầu tiên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TP.HCM, Hội đồng định giá tài sản vắng mặt.
Trước sự vắng mặt của các đại diện trên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết, việc vắng trên không ảnh hưởng đến việc xét xử nên phiên tòa vẫn được tiếp tục.
Tất cả phóng viên đều theo dõi phiên tòa tại khu vực riêng |
Theo cáo trạng, năm 2007, UBND TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, có tổng diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước.
Lúc này, ông Nguyễn Thành Tài đang phụ trách lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhà công vụ…
Trong quá trình sắp xếp lại và xử lý khu đất trên, ông Nguyễn Thành Tài đã ký quyết định giao lô đất “vàng” trên cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue).
Mặc dù biết rõ khu đất trên là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, song Nguyễn Thành Tài đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo các đối tượng cấp dưới là Nguyễn Thị Thu Thủy, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam và Trương Văn Út thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Theo đó, các cá nhân liên quan đã ký văn bản chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các cá nhân liên quan còn quyết định áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý, không bán đấu giá tài sản tạo điều kiện cho Lê Thị Thanh Thúy được tham gia thực hiện dự án.
Hành vi của các đối tượng đã biến khu đất “vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chỉ rõ, nguyên nhân khiến ông Nguyễn Thành Tài “vượt luật”, giao đất vàng cho Công ty Lavenue là bởi có quan hệ tình cảm cá nhân và sự tác động của Lê Thị Thanh Thúy.