Đầu tư
Đã cân đối lại vốn để thông tuyến đường Hồ Chí Minh
Nguyễn Lê - 12/05/2022 08:15
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí đủ 4.450 tỷ đồng để việc thông tuyến đường Hồ Chí Minh không tiếp tục lỡ hẹn.
Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn

Chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 23/5/2022), Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đây cũng sẽ là dự án được Quốc hội xem xét điều chỉnh một số nội dung và giải pháp, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng dự án quan trọng quốc gia đã vắt qua 5 nhiệm kỳ này.

Được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004, Dự án Đường Hồ Chí Minh dự định thông tuyến vào năm 2010, sau đó Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh sang năm 2020. Nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo) cho biết, đến nay, tiến độ triển khai Dự án chậm gần 2 năm so với yêu cầu và cũng chưa rõ thời gian kết thúc.

Để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, cần hoàn thiện 171 km của 3 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Nhưng 3 đoạn này chưa bố trí vốn (tổng mức đầu tư khoảng 10.770 tỷ đồng) để triển khai thực hiện.

Đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 2 dự án này. Đồng thời, được chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.

Sau khi cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, về nguyên tắc, đối với các đoạn tuyến cụ thể, phải bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải cân đối lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ này để bố trí đủ 4.450 tỷ đồng cho 2 dự án trên. Hiện Bộ đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên và điểu chỉnh, bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, Chính phủ cho biết, đã đầu tư các đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ (23 km) thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, dự kiến hoàn thành năm 2023; đoạn Phú Thọ - Cổ Tiết (19,5 km) đầu tư theo hình thức BOT, đã hoàn thành năm 2017.

Riêng đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (87,5 km), do nhu cầu vận tải chưa cao và đã có Quốc lộ 21A, Quốc lộ 32 song hành, nên phương án tài chính nếu đầu tư BOT không khả thi. Hiện các tuyến Quốc lộ 21A, Quốc lộ 32 đang khai thác với quy mô cấp III, 2 làn xe, đáp ứng yêu cầu vận tải giai đoạn hiện tại, nên Chính phủ kiến nghị tận dụng các đoạn quốc lộ này để nối thông đường Hồ Chí Minh, trong điều kiện nguồn lực khó khăn.

Tại tờ trình mới nhất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết của kỳ họp thứ ba việc giao Chính phủ triển khai sớm hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy mô hai làn xe trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ cũng xác định một số giải pháp thực hiện bằng được mục tiêu này. Theo đó, sẽ đổi mới tư duy, nhận thức vai trò, vị trí của đường Hồ Chí Minh để ưu tiên tập trung nguồn lực nhà nước, nguồn vốn đầu tư công sẽ là chủ đạo.

Với giai đoạn tiếp theo, Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã yêu cầu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Dự án Đường Hồ Chí Minh sau khi nối thông toàn tuyến; dự toán tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn sau năm 2020 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ ba việc giao Chính phủ “triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp với yêu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư”.

Chiều 8/5/2022, trong phiên họp thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, việc triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, lịch sử và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương. Do đó, nâng cấp, duy tu các đoạn đường đã triển khai của Dự án cũng như đảm bảo nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự án là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Đường Hồ Chí Minh phải là một con đường tốt nhất

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm đến đường Hồ Chí Minh. Trong 3-4 năm nay, Bộ xác định có 2 trục đường quan trọng nhất đất nước là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Vì thế, định hướng của Bộ là không chỉ ưu tiên đầu tư, mà còn duy tu, sửa chữa để làm sao đường Hồ Chí Minh phải là một con đường tốt nhất.
Tin liên quan
Tin khác