Thời sự
Chính phủ đề nghị dùng 5.570 tỷ vốn dự phòng đầu tư công cho đường Hồ Chí Minh
Nguyễn Lê - 10/03/2022 14:27
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 2 dự án trên đường Hồ Chí Minh.
Cho đến nay tiến độ triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh đã chậm gần 2 năm và chưa rõ thời gian hoàn thành. 

Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.

Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 (để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã có một số điều chỉnh chính so với Nghị quyết số 38/2004/QH11, gồm: Thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến được lùi từ năm 2010 sang năm 2020; tổng chiều dài toàn tuyến tăng từ 3.167 km lên 3.183 km (tăng 16 km, khoảng 0,5%), tuyến chính giảm từ 2.667 km xuống 2.499 km (giảm 168 km, khoảng 6,3%) và nhánh phía Tây tăng từ 500 km lên thành 684 km (tăng 184 km, khoảng 36,8%); Quy mô toàn tuyến giảm từ 2-8 làn xe xuống còn 2-6 làn xe.

Điều chỉnh nữa là thời hạn bắt đầu triển khai nâng cấp các tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc lùi từ năm 2010 sang năm 2020. Nghị quyết số 66/2013/QH13 cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh sau khi nối thông toàn tuyến; dự toán tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn sau 2020 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết quả thực hiện, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 7 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, đến năm 2021, Dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km. Dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong 5 năm (2017-2021), chỉ triển khai được khoảng 8% tổng khối lượng .

Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo) nêu rõ, tính đến thời điểm hiện tại, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh còn lại 171 km của 3 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và  Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, chưa bố trí vốn (tổng mức đầu tư khoảng 10.770 tỷ đồng) để triển khai thực hiện.

Cho đến nay tiến độ triển khai Dự án đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc, cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến (giai đoạn quy mô 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Đến năm 2020, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến là 88.400 tỷ đồng, đã huy động được 62.316 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2021-2025, đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ, ODA). Còn lại 03 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.

Để đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025  để đầu tư 2 dự án này (83,5 km/tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng);

Kiến nghị tiếp theo là được chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này là rất lớn trong khi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn này chưa được xác định rõ ràng cụ thể, cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét. Hơn nữa, kiến nghị này chưa phù hợp với khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 66/2013/QH13. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm “dự toán tổng mức đầu tư và kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn sau năm 2020 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”.

Tin liên quan
Tin khác