Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng cao. |
So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4- 5 và tháng 9- 10 hàng năm.
Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo mức độ nặng của bệnh, với 4 mức độ để xác định. Từ đó bác sĩ đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không.
Nếu bệnh nhân ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.
Mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2, bệnh nhân có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ.
Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ: Độ 2A, trẻ có 1 trong các dấu hiệu là giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Độ 2B, trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2.
Với nhóm 1, trẻ giật mình hơn 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình kèm theo dấu hiệu như ngủ gà, nhịp tim nhanh, sốt cao trên 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nhóm 2, trẻ có triệu chứng thất điều như run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Ở mức độ 3, bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác.
Ở mức độ 4, bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
Chuyên gia khuyến cáo khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, dịch bệnh này chắc chắn sẽ bùng phát. Tương tự như đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ mắc bệnh, nhiều trẻ bị di chứng bệnh rất nặng nề, có cháu bị di chứng thần kinh, bại não.
Để phòng bệnh, người lớn và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Cần chú ý thực hiện việc này trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Bên cạnh đó, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.