Theo đó, điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành là 18. Điểm chuẩn được xét theo tổ hợp 3 môn lớp 12 hoặc tổng điểm trung bình 3 học kỳ gồm năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12. Đây là điểm chuẩn có điều kiện, thí sinh chỉ trúng tuyển khi tốt nghiệp THPT 2024.
Ảnh minh họa. |
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển 6.610 sinh viên. Nhà trường sử dụng các phương thức xét tuyển gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (25% chỉ tiêu), xét điểm học bạ (70%), xét điểm thi đánh giá của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức (5%).
Nhà trường lưu ý, theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2024, tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện cần tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Đồng thời, thí sinh cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ (giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời với thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024) để được công nhận trúng tuyển chính thức theo quy định.
Đại diện nhà trường cho hay, năm 2024, các nhóm ngành thế mạnh về kinh doanh, quản lý, tài chính, truyền thông tại UEF vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của thí sinh.
Điều này thể hiện rõ qua thống kê lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển học bạ vào trường đợt đầu tiên. Nhóm ngành kinh doanh, quản lý giữ vững vị trí top đầu.
Với thế mạnh đào tạo khối ngành về kinh doanh, quản lý, hằng năm, sự quan tâm của thí sinh dành cho nhóm ngành này tại UEF luôn nằm top đầu. Theo đó, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế là các ngành được team 2k6 chú ý nhiều nhất.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như UN (Liên hợp quốc), WB (Ngân hàng thế giới), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế)…, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu nhân lực chất lượng của nhóm ngành kinh doanh, quản lý, tài chính vì thế cũng tăng cao.
Trong đó, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những lĩnh vực mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh nhóm kinh doanh-quản lý, sự lên ngôi của truyền thông, tiếp thị ở thời đại số cũng là xu hướng nổi bật. Các ngành như Truyền thông đa phương tiện, Digital Marketing, Quan hệ công chúng, Marketing tại UEF nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh.
Các ngành về tài chính như Tài chính - Ngân hàng, Kế toán cũng không giảm độ “hot". Ngoài ra, ngành Luật kinh tế cũng luôn giữ “phong độ” khi được nhiều thí sinh quan tâm mỗi năm với tính chất ổn định và đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế hội nhập.
Thông tin từ Học viện Ngân hàng cho hay, năm 2024 dự kiến nhà trường dành 15% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế.
Điều kiện tham gia xét tuyển là thí sinh có học lực giỏi năm lớp 12 và có một trong các chứng chỉ sau (chứng chỉ còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển): Chứng chỉ SAT từ 1200 điểm trở lên; chứng chỉ IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên; chứng chỉ TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên.
Trường Đại học Ngoại thương đã công bố thông tin về các phương thức xét tuyển vào chương trình đại học chính quy cho năm 2024. Thông qua các phương thức này, trường nhằm mục đích tạo điều kiện công bằng và thuận lợi cho các thí sinh có năng lực và hoàn cảnh khác nhau.
Phương thức đầu tiên, được gọi là phương thức 1, tập trung vào việc đánh giá kết quả học tập của thí sinh trong kỳ thi THPT, đặc biệt là những thí sinh có thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Cụ thể, thí sinh đạt giải (nhất, nhì, ba) trong học sinh giỏi cấp tỉnh/Thành phố ở lớp 11 hoặc lớp 12, và các thí sinh thuộc hệ chuyên của các trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Phương thức 2 là sự kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế, dành cho các thí sinh thuộc hệ chuyên và hệ không chuyên của các trường THPT.
Phương thức 3 và 4 tiếp tục tập trung vào kết quả học tập THPT, với sự kết hợp của Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (phương thức 3) và việc xét tuyển theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT (phương thức 4).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (18% chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp theo đề án (80% chỉ tiêu).
Trong số 80% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp, trường dành 50% chỉ tiêu cho thí sinh chỉ sử dụng kết quả các bài thi chuẩn hóa gồm: chứng chỉ quốc tế SAT/ACT; điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA); điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (APT); điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA); chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp HSA/APT/TSA.
Các điểm chứng chỉ này được quy đổi sang thang điểm 30 khi xét tuyển giống như năm 2023. Như vậy, so với năm 2023, năm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không chia chỉ tiêu từng đối tượng xét tuyển trong phương thức xét tuyển kết hợp.
Năm nay, theo đề án tuyển sinh được công bố, nhà trường xét chung từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, không chia chỉ tiêu theo từng loại chứng chỉ.
Theo nhận định của thí sinh, cách quy đổi điểm và gộp chung các loại chứng chỉ vào một nhóm xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế quốc dân theo đề án tuyển sinh năm 2024 mang lại lợi thế cho thí sinh có chứng chỉ SAT và thiệt thòi cho các thí sinh chỉ ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Bà Thủy cho rằng, thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh, năm nay, thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ. Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.
Năm 2023, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 1 triệu học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong hơn nửa triệu thí sinh đỗ đại học, 30,24% nhập học bằng phương thức xét tuyển học bạ, chỉ sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (49,5%).
Xét học bạ là phương thức phổ biến trong những năm gần đây. Nhiều trường đại học nhận định đây là phương thức phù hợp. Lực học của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ không chênh lệch nhiều so với sinh viên vào trường theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các trường đại học thường có nhiều đợt tuyển sinh bằng học bạ, có trường nhận hồ sơ xét tuyển kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8-9 hàng năm.
Tuy nhiên, tùy từng trường, ngành, điều kiện xét tuyển bằng học bạ khác nhau. Thí sinh cần tìm hiểu thông tin trên kênh thông tin chính thức của các trường để chuẩn bị, tránh sai sót. Hồ sơ đăng ký xét học bạ có thể nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc trực tuyến trên website các trường.