Chu kỳ biến động giá vàng
1991 là năm đầu tiên, vàng được mua bán công khai trên thị trường tự do; giá cả hầu hết các loại vật tư, hàng hóa chuyển sang cơ chế thị trường; giá tiêu dùng tuy được chuyển sớm hơn đã tăng 2-3 chữ số trong mấy năm trước đó, năm 1991 vẫn tăng 67,5%; giá USD tăng tới 103,1%. Sự chuyển đổi cơ chế kinh tế đã làm cho các loại giá trên tăng sốc. “Đỉnh” giá vàng trong năm này ở mức khoảng 200.000 đồng/chỉ.
Từ năm 1992, giá vàng tăng thấp, thậm chí có năm còn giảm, nên bình quân giai đoạn 1992 - 2000 đã giảm nhẹ; cuối chu kỳ này, giá vàng ở mức trên dưới 450.000 đồng/chỉ.
Từ năm 2001 đến 2011, giá vàng tăng tốc, bình quân sau 1 năm tăng ở mức 2 chữ số. Giá vàng cuối kỳ đạt đỉnh tới 4,9 triệu đồng/chỉ.
Sau chu kỳ tăng tốc, giá vàng đã tăng chậm lại, trong một số năm còn giảm, thậm chí có năm bị giảm khá sâu (trong 7 năm, có tới 4 năm giảm, trong đó, năm 2013 giảm tới 24,46%). Giá vàng sau khi đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng, sau 7 năm đã rơi xuống đáy, còn khoảng 35 triệu đồng/lượng, giảm tới 14 triệu đồng/lượng.
Từ năm 2016, giá vàng tăng dần trở lại, tăng cao vào năm 2019 (16,23%) và năm 2020 (30,95%), đưa giá vàng vượt qua đỉnh cũ (49 triệu đồng/lượng) và đạt đỉnh 74,5 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2020, sau đó xoay quanh mốc 66-67 triệu đồng/lượng.
Từ tháng 9/2023, giá vàng bật tăng 0,94% và tiếp tục tăng vượt qua mốc 71 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 10.
Từ các thông tin trên, có thể nhận diện giá vàng trong thời gian qua.
Giá vàng tăng có tính chu kỳ. Chu kỳ tính từ “đáy” lên “đỉnh” của vàng trong khoảng 8-10 năm; nửa đầu tăng từ “đáy” lên “đỉnh” cũ, nửa sau tăng từ “đỉnh” cũ lên “đỉnh” mới.
Giá vàng thế giới tăng theo xu hướng giá USD thế giới giảm và ngược lại, giá vàng giảm khi giá USD tăng và nhìn chung phụ thuộc vào cung - cầu. Giá vàng trong nước tăng, ngoài yếu tố do giá thế giới tăng, còn do cung - cầu ở trong nước và cách quản lý của Việt Nam “một mình một chợ”, thường cao hơn giá thế giới trên 10 triệu đồng/lượng, dễ làm “chảy máu ngoại tệ” và nhập lậu vàng.
Thời của vàng
Giá vàng sau khi đạt “đỉnh” mới (74,5 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020), đã giảm dần và ở mức 66-67 triệu đồng/lượng. Người viết dự đoán, đã bắt đầu đến “thời của vàng”.
Thời của vàng bắt đầu từ tháng 9/2023, giá vàng đã có dấu hiệu tăng tốc (vượt qua mốc 71 triệu đồng/lượng), đang tiến đến lặp lại “đỉnh cũ” (74,5 triệu đồng/lượng) và sẽ đạt đỉnh mới trong những năm tiếp theo.
Dự đoán này căn cứ vào một số yếu tố.
Về thời gian, từ “đỉnh” cũng đến nay đã hơn 3 năm, tức là bằng gần một nửa số năm của chu kỳ trong 30 năm qua. Giá vàng hiện ở mức 71 triệu đồng/lượng, đang có xu hướng tiến dần trở lại mức “đỉnh cũ”, để rồi sẽ đạt đỉnh mới trong nửa sau của chu kỳ.
Về yếu tố vật chất có liên quan cũng tạo sức ép đối với giá vàng.
Lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp, không còn sức hấp dẫn lớn đối với người gửi.
VN-Index còn cách khá xa so với đỉnh điểm trên 1.500 điểm.
Thị trường bất động sản dù có dấu hiệu ấm lên ở một vài nơi, một vài loại sản phẩm, nhưng nhìn toàn cảnh vẫn ảm đạm, bởi về thời gian, cách “đỉnh” (tháng 6/2022) mới có hơn 1 năm!
Với giá USD, tuy tăng trong thời gian gần đây, nhưng với phương thức “trườn bò” của tỷ giá trung tâm, thì các nhà đầu tư khó có thể “đón lõng” để đầu cơ…
Trên thế giới, dù Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) còn cao gấp đôi định hướng, nhưng ngân hàng trung ương các nước đã có dấu hiệu chuyển từ thắt chặt chính sách tiền tệ sang dừng lại và chuyển trở lại sang nới lỏng để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kết quả của chuyển đổi này sẽ dẫn đến giá USD có xu hướng giảm (mặc dù USD-Index hiện vẫn cao, ở mức 106 điểm). Khi giá USD giảm, thì giá vàng được tính bằng USD sẽ tăng lên (mức “đỉnh cũ” là 2.037 USD/ounce, hiện ở mức dưới 1.950 USD/ounce).
Để giá vàng không tăng quá sốc, Việt Nam cần sửa cơ chế quản lý vàng, tránh “một mình một chợ” để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.