Doanh nghiệp
Da giày kéo vốn từ nhà đầu tư ngoại
Thế Hoàng - 25/03/2019 15:30
Nhiều dự án sản xuất giày xuất khẩu dự kiến hoàn thành trong năm 2019 - 2020 đều có quy mô công suất lớn, sẽ góp phần giúp ngành da giày tận dụng được cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Đức Thanh

Thêm nhiều nhà máy mới

Với vị trí trung tâm sản xuất giày dép và là quốc gia xuất khẩu giày dép thuộc top đầu thế giới, Việt Nam đang tiếp tục đón dòng vốn ngoại vào lĩnh vực da giày. Động thái này sẽ giúp tăng nhanh năng lực sản xuất và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của ngành trong bối cảnh các FTA đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm nay.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Với những thuận lợi thương mại quy định trong Hiệp định, xuất khẩu hàng da giày sang các thị trường trong khối dự kiến sẽ tăng 10 - 15% trong năm 2019.

Đặc biệt, những ưu đãi thuế quan trong CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI vào lĩnh vực da giày, xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam; giúp doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh, nâng giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu và cải thiện chất lượng tăng trưởng của ngành.

Sau khi “chắc chân” tại Việt Nam với vị trí thứ 3 trong Top 50 doanh nghiệp xuất khẩu giày dép lớn nhất của ngành da giày năm 2018, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã “nhấn ga” với dự án có vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm tại Đồng Nai, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

6 tháng trước, một dự án sản xuất giày dép xuất khẩu khác là Nhà máy Sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Tỷ Bách, thuộc Tập đoàn Lai Yih Footwear (Đài Loan) cũng được khởi công tại Khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long). Dự án có vốn đầu tư 1.610 tỷ đồng (70 triệu USD), công suất 2.000.000 đôi giày/tháng...

Ông Chen Tsao Kang, Giám đốc Công ty Tỷ Bách cho biết, sẽ nhanh chóng triển khai dự án để sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2019, tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Trước đây, các doanh nghiệp da giày từng lo ngại khó đón bắt được cơ hội giảm thuế từ CPTPP, vì những điều kiện về xuất xứ nguyên liệu. Nhưng các dự án đầu tư dồn dập gần đây cho thấy, đó không phải là vấn đề quá lớn với ngành da giày.

“CPTPP được kế thừa và tiếp nối từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, do đó, các doanh nghiệp da giày đã có một quá trình dài để chuẩn bị, nhất là về nguồn nguyên phụ liệu. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành đã tăng nhanh, hiện đạt mức 50%”, bà Xuân nói.

Duy trì sức hút

Năm 2018, ngành da giày nước ta mang về kim ngạch xuất khẩu 19,5 tỷ USD và trụ cột của ngành chính là khối doanh nghiệp FDI. “Ngành da giày phát triển rất nhanh nhờ vào dòng vốn ngoại”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso đánh giá.

Trên thực tế, các tập đoàn nước ngoài với doanh số lớn (trên 1 tỷ USD đến 2 - 3 tỷ USD) đã là một phần quan trọng của ngành da giày, túi xách của nước ta. Đơn cử, Tập đoàn Pouchen (Đài Loan), hiện đứng đầu thế giới với doanh thu khoảng 9 tỷ USD/năm, đang ngày càng tỏa chân rết với các nhà máy lớn tại Việt Nam.

Thêm vào đó, việc gia tăng chi phí lao động tại Trung Quốc cũng khiến Nike, New Balance và các thương hiệu giày dép khác của Mỹ… dịch chuyển cơ sở sản xuất và mở rộng tại Việt Nam trong mấy năm gần đây.

Hãng Adidas cũng từng cho biết, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Adidas còn tiếp tục diễn ra. Rất có thể, kết thúc năm 2019 hoặc 2020, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hơn một nửa số lượng giày Adidas trên thế giới.

Quay trở lại trường hợp của Lai Yih Footwear (Đài Loan) - tập đoàn có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất giày xuất khẩu. Tại tỉnh Vĩnh Long, không chỉ có dự án của Công ty Tỷ Bách, trước đó, Lai Yih Footwear đã đưa vào hoạt động Công ty TNHH Tỷ Xuân, chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày da, giày thể thao xuất khẩu với dây chuyền kỹ thuật công nghệ hiện đại. Công ty TNHH Tỷ Xuân tọa lạc tại Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ) với tổng diện tích 330.000 m2, hiện có 18 nhà xưởng với hơn 21.000 công nhân viên.

Có thể thấy, với tốc độ tăng trưởng nhanh về xuất khẩu giày dép, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD trong năm 2019, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy trì sức hút với các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực da giày trong thời gian tới.

Doanh nghiệp da giày trong nước đang thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp ngoại

 Dù khối doanh nghiệp FDI đang là “trụ cột”, đóng góp tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày, nhưng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước trong ngành da giày đã dần được thu hẹp.

Cụ thể, năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam mới đóng góp 19,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu da giày, thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 21,2% . “Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước”, bà Xuân nhận định.

Tin liên quan
Tin khác