Năm 2016, các doanh nghiệp da giày Việt Nam vui mừng trước thông tin Việt Nam nằm trong 12 nước tham gia TPP, bởi nếu hiệp định này được thực thi, ngành da giày sẽ được hưởng lợi lớn từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản… Cũng từ đây, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng nhà xưởng, nhập máy móc, tìm đối tác mới để đón đầu TPP.
Tuy nhiên hiện nay, khi chưa có thông tin mới về TPP, các doanh nghiệp da giày đã nhanh nhạy tìm hướng đi mới. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan và Belarus và sắp tới là FTA Việt Nam - EU… sẽ là cơ hội để ngành da giày Việt Nam nói chung, Bita’s nói riêng xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi tương tự như TPP.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, da giày Việt Nam nhắm tới thị trường Hoa Kỳ khi TPP được thực thi. Tuy nhiên, khi TPP chưa thành hiện thực, thì vẫn còn nhiều cửa cho doanh nghiệp phát triển như các thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc…
Việt Nam hiện là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba tại châu Á và thứ tư thế giới, chiếm 10% thị trường toàn cầu.. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Bà Võ Thị Thu Sương, Giám đốc Công ty TNHH Ba lô Túi Xách cũng cho rằng, ngành da giày Việt Nam vẫn có cơ hội để tiến xa. “Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt các khâu để có thể mang mẫu mã đến các thị trường xuất khẩu chào hàng”, bà Sương nói.
Hiện sản phẩm giày dép, túi xách Việt Nam được xuất khẩu đến 40 thị trường, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm phần lớn, đến 41%. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho biết, nếu không có TPP, ngành da giày Việt Nam cũng không mất đi lợi thế cạnh tranh, nhờ vào nền kinh tế ổn định, nguồn lao động có tay nghề dồi dào. Việt Nam hiện là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba tại châu Á và thứ tư thế giới, chiếm 10% thị trường toàn cầu.
Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thúc đẩy ngành da giày Việt Nam phát triển, với những lợi thế lớn hơn so với một số nước trong khu vực. “Đặc biệt, trong AEC, Việt Nam sẽ có sự hợp tác với các quốc gia khác để phát triển nguồn nguyên phụ liệu và hình thành chuỗi cung ứng mới, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, giảm tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, giữ được vị thế cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu”, ông Kiệt nói.
Tới đây, Việt Nam còn đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Tuy nội dung và mục tiêu của hiệp định này không nhiều hơn TPP, nhưng cũng góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại châu Á và thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng mới, tăng cường sức hấp dẫn của khu vực.