Thời sự
Đà Nẵng - Khát vọng vươn tầm
Hoàng Anh - 21/10/2020 22:08
Xây dựng nền tảng phát triển vững chắc, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước.
Đà Nẵng hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Định hướng tương lai

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa TP. Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Đối với Đà Nẵng, mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được, bởi Thành phố sở hữu nền tảng phát triển vững chắc, giàu tiềm năng và dần khẳng định được vị thế đầu tàu của miền Trung. Trong những năm qua, câu chuyện Đà Nẵng là ví dụ điển hình của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, khi tốc độ tăng trưởng của Thành phố luôn ở mức cao.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2019 của Đà Nẵng tăng bình quân 7,5%/năm, với quy mô GRDP năm 2019 đạt khoảng 110.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng (4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015.

Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng chuyển dịch đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, với tỷ trọng dịch vụ 65%, công nghiệp - xây dựng 22,3%, nông nghiệp 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Cơ cấu các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đến năm 2020, tỷ lệ của kinh tế nhà nước là 23,6%, kinh tế ngoài nhà nước 55,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9,8% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,1%.

Trong những năm qua, việc triển khai quyết liệt và hiệu quả các lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo cho Đà Nẵng một diện mạo mới. Giá trị gia tăng trong khu vực dịch vụ tăng bình quân 7,8%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Thành phố. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa thành phố biển Đà Nẵng vào danh sách điểm đến hấp dẫn của thế giới. Lĩnh vực đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao có nhiều khởi sắc.

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 6,2%/năm. Đặc biệt, bên cạnh các khu công nghiệp đang hoạt động, Đà Nẵng đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn I và giai đoạn II, Khu công nghệ cao Đà Nẵng; khánh thành Khu công nghệ thông tin giai đoạn I, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn II và Khu công viên phần mềm số 2...

Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả, khi Thành phố đã hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II, nâng năng lực bốc dỡ lên 10 - 12 triệu tấn/năm vào năm 2020; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn. Hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu trình Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định; tích cực kêu gọi đầu tư trung tâm logistics…

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, không chỉ đặt mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng hướng tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

Để đạt được mục tiêu đó, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 22 thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Ngoài chú trọng xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển, Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Vững vàng phát triển

Kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, TP. Đà Nẵng đã trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng, được xem là “thành phố đáng sống”, là hình ảnh đi đầu trong quyết liệt cải cách và phát triển năng động.

Tuy nhiên, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định, năng lực cạnh tranh của Thành phố còn thấp, chất lượng tăng trưởng và nguồn lực đầu tư còn hạn chế, quy mô kinh tế còn nhỏ, không gian phát triển đô thị về chiều rộng có giới hạn, quỹ đất không còn nhiều. Đặc biệt, Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội Thành phố và khả năng còn kéo dài.

“Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phải nỗ lực, quyết liệt hơn, chủ động trong việc xây dựng và triển khai các kịch bản, giải pháp khôi phục, tăng trưởng kinh tế; đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, “vững vàng đưa Thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn”, theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW”, ông Minh chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế và kỳ vọng tạo ra chu kỳ phát triển mới ở tầm cao hơn cho Thành phố.

Đảng bộ TP. Đà Nẵng đã ban hành những giải pháp cụ thể để đưa Thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, Đà Nẵng sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu GRDP tăng 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 5.000 - 5.500 USD. Tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững, chuyển đổi từng bước, căn bản các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn. Trong đó, phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; tăng cường hợp tác, liên kết các địa phương trong nước, đặc biệt là liên kết với 5 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Hà Nội - TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng duyên hải miền Trung để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng, phát huy vai trò cửa ngõ du lịch của Thành phố ở khu vực.

Đẩy mạnh đầu tư, phát triển cảng biển, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics. Tận dụng lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không để tập trung phát triển Thành phố trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Đà Nẵng sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, thật sự trở thành động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng; tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao Đà Nẵng theo hướng đồng bộ và hiện đại; xây dựng, ban hành Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và triển khai đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 có 4 khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin và đóng góp khoảng 10% GRDP Thành phố.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực thi các chính sách kinh tế biển; trong đó sẽ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo; đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá…

Có nền tảng vững chắc, Trung ương ban hành nhiều chính sách đặc thù và tập trung phát triển vào những lĩnh vực mũi nhọn. TP. Đà Nẵng đang bước vào chu kỳ phát triển mới, cao hơn, vững vàng hơn.

Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của Đà Nẵng đến năm 2025

GRDP giai đoạn 2020 - 2025 tăng 9 - 10%/năm (dịch vụ tăng 9 - 10%; công nghiệp - xây dựng tăng 11 - 11,5%; nông nghiệp tăng 2 - 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9 - 10%). GRDP bình quân đầu người đạt 5.500 - 6.000 USD.

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 9 - 10%/năm, với tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đạt 260.000 - 270.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 53.000 - 60.000 tỷ đồng, chiếm 20 - 22%.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10 - 12%/năm.

Đến cuối năm 2025, không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của Thành phố. Duy trì 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 99%. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới của Thành phố; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn…
Tin liên quan
Tin khác