Cục Thống kê TP.Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023. |
Ngày 30/6, Cục Thống kê TP.Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của TP.Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.
Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,4%. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,6%.
Quy mô nền kinh tế TP.Đà Nẵng trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 17 tỷ đồng.
Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, 6/8 tỉnh thành phố vùng duyên hải miền Trung. Đà Nẵng xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP; 17/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20/6 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 2.705 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 6.794 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước đến ngày 20/6 đạt 13.121 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.160 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 7.941 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 2.103 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 9.185 tỷ đồng, giảm 11% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cũng có đến 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường; Có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn đến nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến số doanh nghiệp tạm dừng và rút khỏi thị trường cao hơn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Ông Vũ cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,427 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 28%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 40,2%.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 (CPI) tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 6,74% của CPI, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Theo ông Vũ với mức tăng trưởng 3,74% của 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu theo kế hoạch là tăng trưởng 7% trong năm 2023. Trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế 6 tháng cuối năm của Đà Nẵng còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng khả năng sẽ cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, ông Vũ cho biết, các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.