Hội thảo “Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các bộ nghành Trung ương nhằm tạo ra những định hướng mới, các cơ chế, chính sách mới để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển TP Đà Nẵng nhanh, hiện đại, bền vững hơn trong nhưng năm tới.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng kể, khi kinh tế - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đà Nẵng duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá cố định năm 2010) ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018. Riêng giá trị năm 2018 ước đạt 63.960 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677USD), gấp 7 lần năm 2003 và 1,45 lần so với cả nước.
TP. Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua. |
Theo ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị là một quyết sách quan trọng của Trung ương nhằm tạo nền tảng và là cú hích để TP. Đà Nẵng bứt phá phát triển. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phát triển khá nhanh, TP. Đà Nẵng đã bộc lộ một số bất cập và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ…
Đặc biệt, những năm gần đây tăng trưởng kinh tế có phần suy giảm, dư địa, nguồn lực phát triển cạn dần và nhiều vấn đề phức tạp phát sinh của một đô thị lớn đang phát triển, đã trở thành điểm nghẽn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu mà Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Trong đó, vai trò đầu tàu của TP Đà Nẵng trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên chưa thực sự rõ nét. Vì vậy ông Nghĩa cho rằng, Đà Nẵng cần nghiên cứu để có một động lực phát triển mới.
Ông Nguyễn Văn Bình nhận định, TP. Đà Nẵng đã có bước phát triển ấn tượng sau 20 năm tách tỉnh. Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đà Nẵng có được ngày hôm nay, cái đầu tiên phải kể đến là nhờ có cơ chế chính sách hợp lý.
“Nguồn lực phát triển chính là nằm ở cơ chế, có cơ chế tốt thì sẽ có nhà đầu tư. Tiềm năng của một địa phương chính là ở cơ chế chính sách, chúng ta hay tổ chức xúc tiến đầu tư, nhưng bây giờ cần phải thay đổi tư duy, tạo nên một cơ chế tốt, chắc chắn nơi nào có cơ chế chính sách tốt là nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Cơ chế chính sách là phục vụ cho Đà Nẵng, mà chúng ta cứ ngồi chờ Trung ương thì không ổn, nên thành phố cần chủ động đề xuất các cơ chế chính sách mới. Hết sức năng động, nhìn về phía trước để tạo nên động lực”, đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Đà Nẵng cần đặt câu hỏi muốn hình hài của thành phố trong 10 năm hay 20 năm nữa sẽ như thế nào, để từ đó tìm ra lời giải cho bài toán phát triển.
“Thà ta đi chậm một chút nhưng mà chắc. Khi đã chắc rồi, với cơ thể cường tráng thì phát triển rất nhanh và ổn định. Đà Nẵng không nóng vội trong xây dựng và phát triển thành phố mà phải làm thật chắc và bài bản. Làm sao mỗi thế hệ đặt một viên gạch để thế hệ mai sau phát triển, chứ đừng để thế hệ trước cản bước thế hệ đi sau”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.