Doanh nghiệp
Đà Nẵng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng kiểm soát xả thải
Hoàng Anh - 04/07/2020 10:29
Trước thực trạng hệ thống thu gom nước thải quá tải, đe dọa môi trường du lịch biển, TP. Đà Nẵng đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án để kiểm soát xả thải.
Thi công cải tạo cửa xả trên bãi biển Đà Nẵng.

Nhiều cơ sở vi phạm quy định xả thải

Dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn, cao ốc, nhà hàng được xây dựng với mật độ ngày càng dày đặc. Điều này cho thấy sự phát triển du lịch ấn tượng của Đà Nẵng, nhưng ngược lại, đang gây áp lực lớn lên hệ thống thu gom nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Khu vực ven biển phía Đông Đà Nẵng có diện tích chỉ khoảng 1.130 ha, song mật độ xây dựng rất lớn. Quận Sơn Trà có khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 13.200 phòng; 120 nhà hàng lớn trên các trục chính. Khu vực ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn có 140 cơ sở lưu trú với 5.400 phòng, 130 nhà hàng lớn. Với lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng dày đặc như vậy, hạ tầng ven biển phía Đông Đà Nẵng gánh áp lực rất lớn về xả thải.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhiều khách sạn, cao ốc đã không tuân thủ quy định về xả thải. Nhiều vụ việc xả thải trái phép ra môi trường đã bị chính quyền TP. Đà Nẵng phát hiện, xử phạt.

Cụ thể, trong năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 9 khách sạn (Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean và Gemma) vì thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổng số tiền phạt đối với 9 khách sạn này là 630 triệu đồng.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Kim Long Nam, số tiền phạt 160 triệu đồng. Lý do, trong quá trình thực hiện Dự án Tháp CT1 và CT2 - Đà Nẵng Times Square (quận Sơn Trà), đơn vị thi công đã đấu nối 4 ống nhựa xả thải trực tiếp ra môi trường.

Đặc biệt, Báo cáo Kết quả kiểm tra, rà soát xử lý nước thải của các khách sạn, nhà hàng ven biển phía Đông TP. Đà Nẵng đã đưa ra những con số rất đáng báo động. Đợt kiểm tra này chỉ thực hiện với hơn 100 cơ sở, nhưng đã phát hiện nhiều sai phạm. Theo đánh giá của chính quyền TP. Đà Nẵng, lưu lượng nước thải phát sinh của các cơ sở lưu trú quy mô lớn nằm trong hệ thống thoát nước đô thị trong đợt kiểm tra thấp (chiếm 16,2%); số cơ sở còn lại nằm ngoài hệ thống thoát nước đô thị tuy ít, nhưng lưu lượng nước thải phát sinh lại rất lớn.

Mặc dù 100% cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thủ tục môi trường, nhưng có 32% cơ sở có chất lượng nước thải sau xử lý tại thời điểm kiểm tra không đáp ứng quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, một số cơ sở không lắp đồng hồ đo lưu lượng, không xuất trình được các hồ sơ bản vẽ hoàn công công trình bảo vệ môi trường, không tiếp cận được hộp đấu nối thoát nước…

Nỗ lực kiểm soát

Khu vực ven biển phía Đông Đà Nẵng đang tồn tại 6 điểm thường xảy ra tình trạng nước thải tràn ra biển. Nguyên nhân do hệ thống cống thu gom và trạm bơm nước thải được đầu tư từ lâu và thường xuyên hoạt động ở tình trạng quá tải; nhiều khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải.

Theo ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP. Đà Nẵng, công suất của hệ thống thu gom nước thải có hạn, nên vào những lúc cao điểm thường quá tải. Vì vậy, để kiểm soát các cơ sở kinh doanh dọc tuyến biển, cần phải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng xả thải. Hiện nay, Công ty đang triển khai lắp đặt thí điểm 10 đồng hồ đo lựu lượng xả thải tại khu vực ven biển.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, để kiểm soát xả thải tốt hơn, Thành phố đã ban hành nhiều giải pháp. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các dự án, cơ sở và tổ chức hậu kiểm các cơ sở đã xử lý vi phạm. Các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiếp tục tổ chức kiểm tra, điều tra dứt điểm đối với các cơ sở thuộc phân cấp quản lý…

Ngoài việc siết chặt quản lý, Đà Nẵng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các dự án thu gom nước thải, nâng cấp các trạm xử lý. Tại khu vực ven biển phía Đông, Đà Nẵng đang thực hiện Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà (đoạn từ bán đảo Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng), đầu tư các tuyến cống thoát nước có kích thước lớn và nâng cấp Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà thêm 40.000 m3/ngày đêm. Kinh phí thực hiện Dự án khoảng 1.447 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2021.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng) lưu vực cửa xả Mỹ Khê - Mỹ An với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và chuyển tải nước mưa về hướng sông Hàn (đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến đường Huyền Trân Công Chúa) với kinh phí khoảng 1.070 tỷ đồng.

Tại khu vực Vịnh Đà Nẵng, Thành phố cũng triển khai đầu tư tuyến cống bao thu gom nước thải và nước mưa đợt đầu, bơm về Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý; kinh phí thực hiện khoảng 445 tỷ đồng. Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai hệ thống thu gom nước thải khu vực ven biển, Đà Nẵng cũng đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm xử lý nước thải Hoà Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Phú Lộc, Liên Chiểu.

“Sau khi các dự án thu gom và xử lý nước thải được hoàn thành, cùng với những giải pháp tăng cường kiểm soát xả thải mà Thành phố ban hành, sẽ giải quyết căn cơ những bất cập hiện nay về quản lý và thu gom nước thải trên địa bàn Thành phố”, ông Tô Văn Hùng khẳng định.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã xử lý vi phạm hành chính đối với 12 cơ sở nhà hàng, khách sạn với tổng số tiền xử phạt là 910 triệu đồng. Quận Sơn Trà đã xử phạt 9 cơ sở với tổng số tiền 72 triệu đồng; quận Ngũ Hành Sơn xử phạt 15 cơ sở, với số tiền 79 triệu đồng.
Tin liên quan
Tin khác