Theo đánh giá và ghi nhận của các đơn vị liên quan, vướng mắc về mặt bằng chính là nguyên nhân chính bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình vướng mắc mặt bằng không chỉ 1, 2 năm mà có công trình đã 3, 4 năm nay. Do vậy, nhiều đơn vị, nhà thầu gặp khó khăn thi công thực địa.
Tại Đà Nẵng, các dự án lớn đang vướng mặt bằng, như: đường trục 1 Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt); Tuyến ĐT601; Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; Tuyến Vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1): Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan.
Nút giao thông Trần Thị Lý đang được đẩy nhanh tiến độ góp phần hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng |
Để phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19, Đà Nẵng xác định thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan cùng phục hồi, phát triển. Vì vậy, thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là thách thức lớn.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cũng như có khối lượng để giải ngân, đối với dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý từ đợt dịch tháng 7/2021 đến nay, đơn vị yêu cầu các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca. Nhờ đó, khối lượng thi công đạt khá, phần hầm đến nay cơ bản bảo đảm tiến độ với 8 đốt hầm đang triển khai thi công hoàn thiện.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đang quyết tâm phấn đấu đến hết niên khóa tài chính thanh toán vốn năm 2021, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch Trung ương giao; đồng thời đạt mức cao nhất so với kế hoạch do HĐND Thành phố giao.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này đang đẩy mạnh tham mưu các biện pháp xử lý quyết liệt hơn, các chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
“Trong đó, điều chuyển chủ đầu tư, cắt giảm kế hoạch vốn và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân sẽ là căn cứ để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố”- bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Năm 2021, Đà Nẵng được giao 6.935,11 tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã điều chỉnh nguồn vốn đầu tư trên địa bàn lên 9.699,322 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19, thời tiết cực đoan, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công sẽ điều chỉnh giảm 1.500 tỷ đồng, còn lại hơn 8.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10, tổng giá trị giải ngân đạt 4.607,672 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Trung ương giao và đạt 56% kế hoạch do HĐND Thành phố giao.