Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên họp. |
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ban đầu Chính phủ dự kiến hình thức đầu tư toàn bộ các dự án thành phần theo phương thức PPP, sau đó chuyển thành đầu tư công, vì huy động xã hội hoá hiện nay khó khăn.
Báo cáo tóm tắt dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Hiện nay, việc lưu thông từ Thành phố Hồ Chí Minh qua sông Hậu đến các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua cầu Cần Thơ trên Quốc lộ 1 (quy mô 4 làn xe) và cầu Vàm Cống (quy mô 4 làn xe). Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với quy mô 4 làn xe, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, với năng lực khai thác hiện tại của cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống và cầu Đại Ngãi (dự kiến hoàn thành năm 2026), việc đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 sẽ triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, để hoàn thiện tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Chính phủ đã cân đối vốn ngân sách đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan (dài 12 km, quy mô 4 làn xe) theo dự án độc lập.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất phạm vi đầu tư Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Về quy mô, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Trên cơ sở so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án, để bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, Bộ kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô giai đoạn phân kỳ phần lớn các dự án giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14).
Theo kết quả tính toán, quy mô giai đoạn phân kỳ đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045.
Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.
Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư Dự án.
Thời gian qua ngành giao thông vận tải đã rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong năm 2021, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% mức vốn được giao; tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân khoảng hơn 90.000 tỷ đồng/năm. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ông Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.
Tinh thần là ưu tiên cho địa phương, nhưng trường hợp địa phương không "xung phong" thì Bộ Giao thông vận tải sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư, ông Thể nói.
Về cơ chế, ông Thể cho biết, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án là một trong 5 nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây, sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ sáu diễn ra vào tuần sau.