Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đẩy tăng trưởng GRDP của các địa phương, cũng như tăng trưởng GDP của nền kinh tế. |
Giải ngân chậm, lại xin kéo dài và điều chuyển vốn
Hàng loạt đề xuất, kiến nghị đã được 6 địa phương, bao gồm TP. Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, gửi tới Tổ công tác số 6 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tổ công tác này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng.
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên không thể xuống từng địa bàn để kiểm tra, song tinh thần chung là rất quyết liệt.
“Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là hết năm, cũng chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết niên độ ngân sách năm 2021, chúng tôi muốn nghe các địa phương nói rõ các khó khăn, vướng mắc, để tìm cách giải quyết”’, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và cho biết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành các công trình, dự án, phục vụ cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế, mà còn có ý nghĩa trong thúc đẩy tăng trưởng GRDP của các địa phương, cũng như tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, giải ngân đầu tư công của cả nước vẫn ở mức thấp, mới đạt gần 64%. Với riêng 6 địa phương được Tổ công tác số 6 kiểm tra, đôn đốc, theo số liệu của Bộ Tài chính ở thời điểm ngày 25/11/2021, thì tỷ lệ giải ngân chung là 67,74%. Con số này tuy cao hơn bình quân của cả nước, song mỗi địa phương lại có tỷ lệ giải ngân rất khác nhau, càng khác hơn nếu tính riêng từng nguồn vốn.
Chẳng hạn, Đà Nẵng giải ngân được 51,38% vốn ngân sách trung ương trong nước, nhưng nguồn vốn ODA chỉ giải ngân được 40,7% kế hoạch. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn ODA ở QUảng nam còn thấp hơn nữa, chỉ đạt 15,61% kế hoạch. Kon Tum trong khi giải ngân được tới trên 95% vốn ngân sách trung ương, nhưng vốn ODA giải ngân rất thấp…
Đó có lẽ là một trong những lý do khiến khi làm việc với Tổ công tác số 6, cả 6 địa phương đều đề xuất cắt giảm kế hoạch nguồn vốn ODA; 3 địa phương là Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum kiến nghị kéo dài kế hoạch đầu tư công năm 2021 sang năm 2022… Các kiến nghị cụ thể về các dự án cũng đã được đề xuất, trong đó bao gồm cả việc kiến nghị sớm thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
Các nguyên nhân cũng đã được các địa phương đưa ra, bao gồm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiếu nhân công, giá nguyên vật liệu tăng cao, giải phóng mặt bằng khó khăn, năng lực nhà thầu, tư vấn kém…
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đề nghị các địa phương nói “cho rõ” về các nguyên nhân khiến giải ngân chậm, chứ không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan.
“Giai đoạn 2021-2025, không phải dễ dàng được kéo dài vốn. Nếu không giải ngân hết, thì sẽ bị cắt vốn và trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn”, ông Trung nói và quyết liệt rằng, các địa phương phải cố gắng và chịu trách nhiệm về giải ngân chậm, chứ không thể không làm rồi đến cuối năm lại đề nghị cắt giảm, điều chuyển, kéo dài vốn.
Chỉ còn một con đường là đốc thúc giải ngân nhanh
Có một câu hỏi được đặt ra khi Tổ công tác số 6 làm việc với các địa phương, mà có lẽ là với Tổ công tác nào cũng vậy, đó là các địa phương cam kết trong năm nay giải ngân được bao nhiêu? Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, hết năm nay, tỷ lệ giải ngân phải đạt 90-95%.
Tuy nhiên, chỉ có 2/6 địa phương làm việc với Tổ công tác số 6 đưa ra cam kết rằng, sẽ đạt được tốc độ giải ngân như vậy. Chuyện này khiến Thứ trưởng Trần Quốc Phương rất sốt ruột.
Bởi lẽ, theo quy định của Luật Đầu tư công, như ông Đỗ Thành Trung đã nói, nếu địa phương nào giải ngân không hết, sẽ bị hủy dự toán, không được kéo dài và cũng sẽ bị cắt luôn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Điều này sẽ dẫn tới hai vấn đề. Để dự án có thể tiếp tục triển khai, thì sẽ phải bố trí vốn năm 2022 cho dự án. Như thế có nghĩa là phải dùng dự toán của dự án khác và dự án đó sẽ bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Cắt vốn trung hạn cũng đồng nghĩa địa phương sẽ bị thiếu vốn, dẫn tới khả năng không hoàn thành được các dự án đầu tư công trong trung hạn. “Để giải quyết vấn đề này, các địa phương phải cắt giảm các dự án khởi công mới để dành vốn cho các dự án đang triển khai”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Bởi vậy, cho tới thời điểm này, chỉ còn một con đường duy nhất là các địa phương phải đốc thúc giải ngân nhanh, khi chỉ còn 1,5 tháng nữa là hết niên hạn ngân sách 2021. Càng giải ngân được nhiều thì nguy cơ bị cắt vốn sẽ giảm đi.
“Qua kinh nghiệm của năm 2021, các địa phương cũng phải lưu ý việc xây dựng kế hoạch 2022, không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của mình. Năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt và sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng, nhất là với những người đứng đầu”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Cùng với Tổ công tác số 6, trong tuần qua, còn 4 Tổ công tác nữa cũng đã kiểm tra, đôn đốc tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương. Làm việc tại Phú Thọ, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo rất rõ rằng, các địa phương phải chuẩn bị kỹ các dự án đầu tư công, tránh tình trạng phải điều chỉnh dự án gây lãng phí thời gian, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khi chủ trì cuộc giao ban với các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai về tiến độ triển khai dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đã rất sốt ruột với tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.
“Đây là công trình trọng điểm, ai mà chậm, làm ảnh hưởng tiến độ thì đứng ra ngoài, để người khác làm”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo như vậy.
Chỉ đạo này có lẽ có ý nghĩa đối với tất cả các dự án đầu tư công nói chung!