Chuyển đổi số - Kinh tế số
Đà Nẵng hai năm liền dẫn đầu chuyển đổi số
Thanh Chung - 11/08/2022 17:56
Hai năm liên tiếp TP. Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số, theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố.
Các Tổ công nghệ số phường An Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số. Ảnh: Hồng Quân

Theo kết quả đánh giá Chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2021 đạt 0,6419 điểm, tăng 0,1545 điểm so với năm 2020 dẫn đầu cả nước.

Các vị trí tiếp theo trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Thừa Thiên – Huế, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.

Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa”, mở ra không gian phát triển mới.

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai nghị quyết, đề án Chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025, như: Triển khai thành phố thông minh; phát triển chính quyền số (kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn giai đoạn 2022-2025)...

Từ cuối năm 2021, Đà Nẵng bắt đầu triển khai hạ tầng mạng 5G với 11 trạm phát sóng tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Hiện Đà Nẵng đang triển khai thêm 41 trạm, trong đó có 1 trạm ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng và 40 trạm ở khu vực Liên Chiểu dự kiến hoàn thành trong năm 2022; thí điểm trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng).

Về kết quả triển khai dữ liệu số, Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…. Ngoài ra, Đà Nẵng đang hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng.

Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố.

Đồng thời, Đà Nẵng xây dựng hàng loạt ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch, sàn thương mại điện tử thành phố, nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử…

Đầu tháng 4/2022, Đà Nẵng cũng đã ra mắt mô hình chợ 4.0. Đây là trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.

Đến nay, Đà Nẵng có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh; trung bình cả nước là 0,5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân); tổng nhân lực công nghệ thông tin thành phố hơn 44.000 người.

Tin liên quan
Tin khác