Người dân mòn mỏi sống trong vùng quy hoạch treo tại Tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng hơn 13 năm qua. Ảnh: L.A |
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng vừa cho biết quan điểm của Thành phố đối với Khu E - Hòa Xuân (thuộc Tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Khu vực này đã bị quy hoạch “treo” hơn 13 năm nay. Theo đó, ông Nam khẳng định, Đà Nẵng kiên quyết giữ quan điểm không phá vỡ quy hoạch khu vực này. Khu E - Hòa Xuân vẫn là đất công cộng, công viên cây xanh, dự trữ ven sông, hành lang thoát lũ.
“Mặc dù có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đề xuất làm dự án khu đô thị, thậm chí khu thể thao ở đó, tuy nhiên, Đà Nẵng giữ quan điểm không phá vỡ quy hoạch, để lại khu đất này phục vụ lợi ích công cộng. Đây là quan điểm không thể thay đổi được”, ông Nam quả quyết.
Tuy vậy, khi thực hiện dự án phục vụ công cộng tại đây, Đà Nẵng phải bỏ ngân sách nhà nước ra đầu tư, chứ không có nhà đầu tư nào làm nội dung này. Vì thế, việc đầu tư dự án tại Khu E - Hòa Xuân cần có nguồn lực và thời gian thực hiện.
Trong thời gian chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng đề xuất dự án, trình UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét phê duyệt, ông Nam yêu cầu UBND quận Cẩm Lệ tăng cường giám sát, ngăn chặn xây dựng trái phép và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, HĐND Thành phố Đà Nẵng (diễn ra ngày 13/12/2023), trả lời ý kiến của cử tri quận Cẩm Lệ, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Nẵng cho biết, khu vực Tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hiện không có vướng mắc về cấp độ quy hoạch xây dựng cũng như định hướng đầu tư xây dựng.
Trong đó, Quy hoạch chung năm 2013 xác định đây là khu vực cây xanh công cộng, hành lang thoát lũ. Quy hoạch chung năm 2019 cùng 3 quy hoạch chi tiết cũng xác định mục đích như trên. Theo ông Phong, khu vực Tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ chưa có chủ trương đầu tư, chưa có phê duyệt dự án.
Đáng chú ý, tại phiên họp này, Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng lúc đó là ông Lương Nguyễn Minh Triết thông tin, khu vực Tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có 81 hộ dân, nhưng qua rà soát thì có đến 362 hồ sơ đất. Qua khái toán làm công viên cho thấy kinh phí rất lớn, giải tỏa đền bù khoảng 375 tỷ đồng, bồi thường hơn 300 lô đất tái định cư.
Ông Triết yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng sớm có quyết định cụ thể về phương án công viên tại khu vực nêu trên; UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn cụ thể, tổ chức họp dân để thông báo về quyền lợi, nghĩa vụ, trước mắt là những quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch chưa triển khai dự án...