Đà Nẵng muốn giữ lại Sân vận động Chi Lăng. |
Chiều 20/3, ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, Sân vận động Chi Lăng là một trong những tài sản kê biên để đảm bảo thi hành bản án các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh.
Theo ông Chương, từ năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, qua đánh giá, rà soát lại các vấn đề liên quan đến pháp lý và nhu cầu thực tiễn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng, nêu rõ nguyện vọng của mình là xin giữ lại Sân vận động Chi Lăng. Năm 2019, Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp tổ chức phiên làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, tại phiên làm việc đó, Đoàn công tác của thành phố và Ngân hàng Xây dựng không “gặp nhau”.
“Quan điểm màĐà Nẵng tiếp cận là thành phố xin giữ lại Sân vận động Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng tại Hà Nội, Ngân hàng Xây dựng xác định rất rõ là toàn bộ diện tích đất đó (55.000 m2), Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Xây dựng số tiền 8.408 tỷ đồng, trong đó tiền đất 4.000 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.
Ngoài ra, trong 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Tập đoàn Thiên Thanh, có 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp ở Ngân hàng Xây dựng, với số tiền cả gốc lẫn lãi (tính đến thời điểm Đà Nẵng thương lượng) là 317 tỷ. Như vậy, mức đưa ra của thành phố và số tiền Phạm Công Danh vay thể hiện trên hồ sơ vay của ngân hàng không có điểm gặp nhau”, ông Chương thông tin.
Mặt khác, Đà Nẵng cũng là một trong những đối tượng phải chấp hành theo các bản án đã hiệu lực.
Theo ông Chương, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, đối với Sân vận động Chi Lăng và một số dự án khác, việc thành phố áp dụng giảm 10% tiền sử dụng đất là chưa phù hợp quy định của pháp luật, với tổng số tiền 139,3 tỷ đồng. Số tiền này phải thu hồi, nộp vào ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, đến nay, các đối tượng liên quan chưa khắc phục. Khi các đối tượng có liên quan thi hành án, chúng tôi buộc phải trích lại, nộp vào ngân sách nhà nước”, ông Chương thông tin.
Bên cạnh đó, Sân vận động Chi Lăng đang vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nơi này vẫn còn 8 hộ gia đình, 2 doanh nghiệp chưa được giải tỏa, đền bù. Ông Chương cho biết, quan điểm của Đà Nẵng giữ lại Sân vận động Chi Lăng để phục vụ hoạt động thể dục thể thao.
Hiện nay, Dự án Sân vận động Chi Lăng vẫn chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, mà quy hoạch là quyền của nhà nước. “Quan điểm là sau này quản lý quy hoạch theo một khối chứ không “xé lẻ” ra 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Chương nói và cho biết, hiện nay, Thành phố Đà Nẵng đang xin ý kiến của Trung ương để tiếp tục giải quyết những tồn tại của Dự án Sân vận động Chi Lăng.
Trước đó, năm 2010, Sân vận động Chi Lăng được Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh (lúc này do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT) để xây dựng Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng. Thay vì triển khai Dự án, Sân vận động Chi Lăng lại được chia thành 14 lô và đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.
Năm 2013 và 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Ngày 29/7/2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm 2016 và 2017, Phạm Công Danh và các bị cáo được đưa ra xét xử tại TAND các cấp. Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2017/HSPT của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP. HCM. Nhiều tài sản là bất động sản của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có Sân vận động Chi Lăng.
Ngày 26/4/2018, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, thi hành án bản của Phạm Công Danh và đồng phạm, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực Sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với Sân vận động Chi Lăng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.
Tài sản thế chấp là 10 lô đất trong Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Nhưng theo Luật Đất đai 2003, Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên thời hạn sử dụng đất có thời hạn. Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại dự án này được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất. Căn cứ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng phải thu hồi những sổ hồng này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định…
Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án khó thực hiện.