Đầu tư Phát triển bền vững
Đà Nẵng muốn biến rác thành năng lượng và sản phẩm xuất khẩu
Nguyễn Toàn - 05/08/2022 11:46
Biến chất thải rắn đô thị thành nguồn năng lượng hay sản phẩm xuất khẩu đang là giải pháp Đà Nẵng hướng tới.

1.100 tấn chất thải đô thị mỗi ngày

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải rắn phát sinh tại TP. Đà Nẵng không ngừng gia tăng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình lượng chất thải rắn đô thị tại TP. Đà Nẵng tăng khoảng 15 - 16% tính từ năm 2016 -2020.

Theo đó, từ năm 2019, chất thải rắn đô thị của TP. Đà Nẵng mỗi ngày phát sinh trung bình khoảng 1.177 tấn. Theo dự báo, đến năm 2030, TP. Đà Nẵng sẽ phát sinh 1.794 tấn/ ngày  và năm 2045 khoảng 2.450 tấn/ ngày.

“Trung bình mỗi ngày, TP. Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.100 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm một tỷ lệ không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng; nếu không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái biển và sức khỏe con người”, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Hiện nay, theo thống kê, 95% lượng chất thải rắn đô thị tại TP. Đà Nẵng được chuyển đến bãi rác Khánh Sơn để xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, bãi rác Khánh Sơn đang vận hành xử lý rác thải qua hình thức là chôn lấp, theo kế hoạch việc chôn lấp này sẽ đảm bảo đến năm 2025.

Đáng lưu ý là đường đi của rác thải nhựa ở TP. Đà Nẵng (theo nghiên cứu của Dự án Khép kín vòng lặp về ô nhiễm rác thải nhựa tại TP. Đà Nẵng) có khoảng 6.752 tấn (8%) rác thải nhựa phát sinh sẽ bị thất thoát ra môi trường. Cụ thể, 5.043 tấn rác được giữ lại trên đất liền; 1,087 tấn rác xâm nhập vào trong môi trường biển và đại dương; 20 tấn bị đốt lộ thiên.

Trong đó, vứt rác bừa bãi là nguồn phát chất thải lớn nhất khiến rác thải nhựa bị rò rỉ ra môi trường với khoảng 3.156 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Ngoài ra, rác thải không được thu gom là con đường phát thải thứ 2 ở TP. Đà Nẵng với khoảng 1.568 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Mặc dù, TP. Đà Nẵng đã có dịch vụ thu gom với  tỉ lệ thu gom trên 90% tại hầu hết các quận, huyện tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định.

Những cơ sở thu mua phế liệu đã góp phần vào việc thu gom rác thải nhưng chưa được liên kết bài bản. Ảnh: N.T

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện thời gian qua chưa được đầu tư tương ứng với quá trình phát triển đô thị, mở rộng địa bàn dân cư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Huy, Tổ đại biểu HĐND quận Hải Châu phản ánh, công tác thu gom rác của các đơn vị vệ sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian gần đây còn nhiều bất cập như xảy ra tình trạng chậm được thu gom, rác thải sinh hoạt tập kết trên vỉa hè, lòng đường khá lâu…

Trước phản ánh trên, ông Hùng cho rằng các quận, huyện được lựa đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác qua hình thức đấu thầu; việc các đơn vị không đáp ứng được yêu cầu như hồ sơ đấu thầu và hợp đồng đã ký thì căn cứ hợp đồng thực hiện.

“Qua theo dõi hợp đồng có rất nhiều điều khoản trong đó có điều khoản xử phạt đơn vị cung cấp dịch vụ không đảm bảo yêu cầu.Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện đã làm không chặt chẽ việc này”, ông Hùng cho biết.

Biến rác thành năng lượng và xuất khẩu

Nếu tận dụng hợp lý nguồn chất thải rắn sinh hoạt, có phương pháp xử lý hợp lý, hằng năm TP. Đà Nẵng có thể thu hồi được một lượng năng lượng là rất lớn từ nguồn rác thải này. Và với mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp lượng điện sạch trên 280 kWh. Đó là nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng.

“Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang triển khai Dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn quy mô 650 tấn/ngày. Dự án  đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với quy mô công suất phát điện là 18MW”, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Bên cạnh tận dụng chất thải rắn sinh hoạt, TP. Đà Nẵng còn đang tìm kiếm biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với môi trường và kinh tế.

Nguyên nhân là TP. Đà Nẵng hiện chỉ có 6.1% lượng rác thải nhựa được phân loại để tái chế, con số này khá thấp so với tỷ lệ chung của cả nước là 10 - 15%.

Trong khi đó, theo Quy hoạch chất thải rắn của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 100% lượng rác thải trong thành phố được phân loại tại nguồn vào năm 2030; 95% rác thải được sử dụng, tái chế hoặc làm phân ủ compost vào năm 2050.

Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường thực hiện phân loại, thu gom, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tái chế thông qua đầu tư kinh doanh và hỗ trợ từ hợp tác quốc tế.

Thực tế, TP. Đà Nẵng đã ký kết nhiều dự án với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ công tác phân loại, tái chế rác thải tại nguồn trong thời gian qua.

Thông điệp kêu gọi phân loại rác tại nguồn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng.

Ví dụ như Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải tại TP Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng; với sự hỗ trợ của Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu (IGES).

Đặc biệt, cuối tháng 6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức phi chính phủ quốc tế iDE tại Việt Nam đã ký kết triển khai thực hiện Dự án Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam.

Dự án này do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng được triển khai tại 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng trong một lần tiếp nhận tài trợ thùng rác phân loại rác thải. Ảnh: N.T

Tại 3 quận này, dự án sẽ thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải, kết nối những người thu gom phế liệu với các cửa hàng thu mua phế liệu để tạo đầu vào cho nguồn nguyên liệu tái chế với số lượng thu gom, xử lý và tiêu thụ khoảng 5.000 tấn rác thải nhựa/năm; từ đó làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh, nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa lên từ 15% đến 35%.

Cùng với đó, dự án thiết kế và thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho 40% các hộ gia đình và 40% doanh nghiệp tại địa bàn triển khai dự án.

Ngoài ra, một trong mục tiêu đáng lưu ý của dự án là xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan chức năng, 125 cơ sở thu mua phế liệu và Doanh nghiệp Tái chế Rác thải nhựa ReForm.

Trong đó, Doanh nghiệp Tái chế Rác thải nhựa ReForm (trụ sở chính tại TP. Đà Nẵng) thực hiện hoạt động nghiên cứu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tái chế cùng với Công ty Thương mại Oceanworks (Hoa Kỹ)

Trên cơ sở này, Dự án đặt mục tiêu phấn đấu tổng giá trị đơn đặt hàng nhựa từ Việt Nam thông qua các doanh nghiệp kết nối khoảng 1,8 triệu USD và sẽ có khoảng 10 công ty mua nhựa tái chế từ Việt Nam thông qua dự án.

Về tác động dự án này đối với TP. Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho rằng công tác quản lý rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác tại nguồn là tiêu chí rất quan trọng để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố môi trường; là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của TP. Đà Nẵng trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác