Đầu tư
Đà Nẵng phát huy vị thế hạt nhân của miền Trung - Tây Nguyên
Minh Hà - 20/11/2022 09:19
Trong tầm nhìn chiến lược, TP. Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Thành phố này đang từng bước khẳng định và phát huy vai trò trung tâm của vùng.
TP. Đà Nẵng đang đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên

Tầm nhìn chiến lược

Đà Nẵng là thành phố duy nhất ở miền Trung nằm trong danh sách 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt, được xác định là trung tâm cấp quốc gia, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng cho cả nước và cả vùng.

Điều đó cho thấy vị trí chiến lược của đô thị Đà Nẵng - nơi có mặt tiền biển rộng lớn và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ che chắn sau lưng. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn xác định vai trò, tầm quan trọng chiến lược của thành phố đầu biển cuối sông này, để từ đó ban hành những nghị quyết quan trọng.

Tháng 7/2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận TP. Đà Nẵng là đô thị loại I cấp quốc gia. Đặc biệt, để giúp Đà Nẵng có những cơ chế đột phá cho sự phát triển lâu dài, bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về “Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

“Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế…”, Nghị quyết 33-NQ/TW xác định.

Từ đó, TP. Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế và đã khẳng định vai trò “đầu tàu” của miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế thành phố thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện gấp hơn 15 lần so với năm 1997.

Cùng với đó, không gian đô thị của Đà Nẵng được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Từ một thành phố chỉ có 360 đường phố, hiện Đà Nẵng đã có hơn 2.300 con đường. Đà Nẵng đã trở thành đô thị lớn của Việt Nam, địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch của thế giới và nổi danh với thương hiệu “đáng sống” và “đáng đến” …

Tuy vậy, sau chặng đường phát triển năng động, những vướng mắc, khó khăn đã xuất hiện khiến Đà Nẵng chững lại. Trước thực tế này, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Một lần nữa, Đảng xác định: “Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”.

Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu

Đường hướng phát triển của Đảng và Nhà nước đã đưa Đà Nẵng phát triển nhanh chóng và tầm nhìn chiến lược của Đảng tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn cho Thành phố này.

Thực tế đã chứng minh, TP. Đà Nẵng có nhiều thế mạnh và cơ hội để bứt phá, vươn lên, dẫn dắt sự phát triển chung của vùng. Bởi địa phương này có vị trí địa kinh tế - chính trị thuận lợi để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; cơ sở hạ tầng đô thị phát triển; kinh tế biển và dịch vụ logistics đang được đầu tư xây dựng và khai thác.

Nghị quyết 43/NQ-TW tạo cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án Thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 43-NQ/TW sẽ giúp Đà Nẵng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao...

Tuy vậy, Nghị quyết sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không bắt tay vào triển khai và thực hiện. Biết rõ điều đó, Thành phố Đà Nẵng đã gấp rút triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp việc và ban hành 12 chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cùng với đó, TP. Đà Nẵng tập trung xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng cụ thể, kể cả kịch bản chung của Thành phố và của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch thành phố, nhất là triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có các dự án đóng vai trò liên kết và tạo động lực phát triển khu vực miền Trung…

Song hành với đó, Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được khẩn trương hoàn thành. Dự án Cảng Liên Chiểu cũng đang tiến hành các thủ tục để có thể khởi công.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết, để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, chỉ sự nỗ lực của riêng Đà Nẵng là chưa đủ. Vì vậy, Thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển nhằm tạo thêm nguồn lực cho Đà Nẵng đầu tư phát triển, như thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng; thành lập Khu phi thuế quan; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP. Đà Nẵng; phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia…

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đề xuất cơ chế để Trung ương hỗ trợ thêm nguồn lực thực hiện các dự án động lực, trọng điểm, liên vùng như: nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan), các tuyến quốc lộ 14B, 14D, 14G…

“Nghị quyết số 43-NQ/TW là văn kiện mang tính nền tảng, có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra cơ hội và động lực thúc đẩy phát triển TP. Đà Nẵng. Vì vậy, Thành phố mong muốn Bộ Chính trị, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”, ông Triết chia sẻ.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 26/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Đà Nẵng tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực mới phát triển TP. Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng. Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; làm tốt công tác quy hoạch, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác