UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 1971/QD-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng. Theo đó, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Trung tâm Logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch thành trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không. |
Theo Quyết định này, Ban Chỉ đạo phát triển logistics có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND Thành phố điều phối các hoạt động liên quan đến phát triển logistics, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động logistics theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong đó, Ban này cũng đảm nhận nhiệm vụ tham mưu triển khai hiệu quả đề án “Phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Quyết định này cũng giao Sở Công thương thành phố Đà Nẵng làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đơn vị này sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện.
Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch này dựa trên quan điểm phát huy được các nguồn lực, lợi thế của thành phố để xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo quy hoạch, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, các trung tâm logistics tại địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 25% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, đến năm 2025 là 30%, đến năm 2030 là 35%; đến năm 2045 là 55%. Đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không tương ứng là 10%, 15%, 20% và 40%. Đối với luồng hàng hóa đường sắt: năm 2030 là 20% và 2045 là 40%.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 13.695 tỷ đồng, với tổng nhu cầu quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành logistics đến năm 2045 ước khoảng 312 ha.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển các trung tâm logistics do UBND thành phố kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư cải thiện kết nối giao thông đường bộ, nút giao thông thuộc địa phương quản lý do UBND thành phố đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương.
Các dự án đầu tư đường sắt kết nối từ cảng Liên Chiểu đến ga hàng hóa Kim Liên mới, các tuyến đường bộ thuộc Trung ương ương quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Trung ương.
Cảng Tiên Sa nhìn từ trên cao. |
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố danh mục kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, gồm 01 trung tâm cấp vùng, 08 trung tâm cấp tỉnh và 01 trung tâm chuyên dụng hàng không.
Cụ thể, trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I, có quy mô 30-35ha vào năm 2030 và đến năm 2050 nâng lên thành 65-70 ha. Đây sẽ là trung tâm logistics cảng biển với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS…
Tiếp đến là Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4-5ha, mở rộng nâng cấp lên 8-10ha đến năm 2050. Đây sẽ là trung tâm logistics chuyên dụng phục vụ dịch vụ logistics hàng không.
Tám trung tâm logistics cấp tỉnh còn lại gồm: Ga hàng hóa Kim Liên, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm logistics và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyển cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp) cùng 5 trung tâm logistics ở 5 địa phương Hoà Nhơn, Hoà Phước, Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Hiệp Bắc.