Thời sự
Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới
Việt Hương - 27/09/2021 09:35
Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, trong đó xác định tầm quan trọng của “chiến lược vắc-xin”, với mục tiêu 100% mũi 1 vào cuối tháng 10/2021.

3 kịch bản tăng trưởng

Ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 theo 3 cấp độ: Thấp, trung bình và cao.

Cụ thể, đối với kịch bản tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

Về kịch bản tăng trưởng trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

Đối với kịch bản tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, Thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 3 cấp độ, trong xác định tầm quan trọng của “chiến lược vắc-xin”, theo đó dự kiến tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt hơn 95% vào cuối tháng 9/2021, đạt 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021.

Ứng phó với diễn biến khôn lường của dịch bệnh, Đà Nẵng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 theo 3 caaos độ: Thấp, trung bình và cao...

Với khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới), Thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế như: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019, khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng cũng dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị số 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ) từ ngày 1 đến 15/10, sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 theo khung hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đây là tín hiệu khả quan để phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố xác định ngoài việc tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đã được ban hành thì đồng thời nghiên cứu các nhóm giải pháp mới trong thời gian tới.

Thành phố cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo nghị quyết của HĐND thành phố, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19; hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Khu Công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo ông Hồ Kỳ Minh, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Cụ thể, dịch vụ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước chỉ đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. UBND TP. Đà Nẵng phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác