Chuyển đổi số - Kinh tế số
Đà Nẵng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị
Hoàng Anh - 25/10/2024 22:22
Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống quản lý số, tạo bước tiến chiến lược để xây dựng đô thị thông minh.

Ngày 25/10, tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc gia về Chính phủ số 2024 với chủ đề “Đà Nẵng - thành phố xanh và bền vững: Cơ hội đầu tư và phát triển thương mại trong thời đại mới”.

Hội thảo tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng về chuyển đổi số như về giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; Quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị; Quản trị rủi ro công nghệ và an ninh mạng trong chiến lược phát triển đô thị hiện đại…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Phước Hoà Bình, đại diện Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, Thành phố đang ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị.

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng hướng tới trở thành một đô thị phát triển hàng đầu châu Á, dựa trên nền tảng thành phố thông minh và bền vững … Đô thị thành phố Đà Nẵng chia thành 12 phân khu chính với mục tiêu và chức năng riêng biệt.

Các sản phẩm công nghệ được trưng bày tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ số 2024 tại Đà Nẵng.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, với khối lượng lớn các đồ án quy hoạch theo nhiều cấp khác nhau, qua nhiều thời kỳ, nên việc áp dụng công nghệ trong công tác quản lý là rất cần thiết.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy hoạch của Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2000, đã tạo nền tảng quan trọng cho sự hiện đại hóa trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Trong giai đoạn này, Đà Nẵng đã tiên phong sử dụng phần mềm AutoCAD để quản lý các đồ án quy hoạch. 

Tuy nhiên, hệ thống AutoCAD vẫn có những hạn chế. Vì vậy từ năm 2020, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai hệ thống quản lý quy hoạch số dựa trên nền tảng GIS (Hệ thống Thông tin Địa lý).

Đây là bước tiến lớn trong việc tích hợp và quản lý dữ liệu địa lý, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Hệ thống cho phép tích hợp các thông tin quy hoạch trên một bản đồ số duy nhất, cập nhật trực tuyến và kết nối với định vị GPS, giúp đảm bảo tính chính xác giữa dữ liệu và thực địa. Đồng thời giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin quy hoạch…

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là về nhân lực và năng lực vận hành. Nên hiện tại, Đà Nẵng vẫn phải áp dụng song song giữa hệ thống cũ và mới trong quản lý quy hoạch.

Thành phố Đà Nẵng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, phát triển đô thị.

Theo ông Trần Phước Hoà Bình, TP.Đà Nẵng đang nâng cao năng lực chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch. Bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống công nghệ, Đà Nẵng cũng chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và hệ thống quản lý. Thành phố đã thành lập Trung tâm Thông tin Quy hoạch.

Thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị - Bộ Xây dựng, tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về đô thị thông minh.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng mở rộng mối quan hệ với các quốc gia có nhiều thành công trong ứng dụng công nghệ GIS như Singapore và Trung Quốc, để tiếp thu những giải pháp tiên tiến…

Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định, trong tương lai, Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống quản lý số, không chỉ trong lĩnh vực quy hoạch mà còn trong các lĩnh vực khác như môi trường, giao thông, và dịch vụ công. Đây là bước tiến chiến lược nhằm xây dựng một đô thị thông minh, nơi mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu số chính xác và minh bạch…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng cho biết, hiện Thành phố cung cấp dịch vụ công thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong hoạt động công vụ và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị.

Kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp đáng kể cho GRDP thành phố. Cụ thể, năm 2023 kinh tế số đóng góp 20,7% GRDP (vượt mục tiêu năm 2025 là 20%), có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước.

Đặc biệt, theo kiểm tra, đo lường và công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 8/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95%...

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó có các cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh … Cơ chế đặc thù này sẽ tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng.

Tin liên quan
Tin khác