Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2010, Đà Nẵng đã xác định công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và bước đầu chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số.
Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/4/2019 phát triển hạ tầng CNTT - truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên bố trí kinh phí triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những chính sách này đã góp phần tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống, xã hội và trở thành “công cụ lõi” trong các hoạt động quản lý nhà nước và cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các ứng dụng thông minh được xây dựng, đưa vào vận hành hiệu quả, góp phần hỗ trợ việc ra quyết định, chỉ đạo, điều hành; phục vụ an sinh xã hội, tiến đến một thành phố thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
“Đây là các chủ trương, định hướng quan trọng, tạo nền tảng và động lực cho sự hình thành và phát triển CNTT - truyền thông tại Đà Nẵng”, ông Thanh khẳng định.
Những con số “biết nói”
Trong 12 năm qua, Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số Mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT; liên tiếp 2 năm (2020, 2021) đứng đầu về chuyển đổi số cấp tỉnh/thành phố. Năm 2020, ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng tăng trưởng 5,24%, đóng góp 7,8% vào GRDP; năm 2021, con số tương ứng là 10,47% và 12,57%.
Tính đến tháng 6/2022, tổng doanh thu toàn ngành thông tin - truyền thông Đà Nẵng ước đạt 16.586 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch; tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần vào kết quả cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của Thành phố.
Giai đoạn 2019 - 2021, Đà Nẵng đã hoàn thành 12/13 mục tiêu đặt ra trong Đề án Thành phố thông minh. Cụ thể, mạng đô thị (MAN) được mở rộng, kết nối; trung tâm dữ liệu bảo đảm nâng cao năng lực cài đặt, triển khai cơ sở dữ liệu và ứng dụng thông minh; hình thành trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm giai đoạn I để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, cung cấp các chỉ số kinh tế - xã hội và đô thị; hoàn thiện cơ bản hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, điều khiển đèn tín hiệu tự động, tập trung; hoàn thành cổng thông tin giao thông trực tuyến giai đoạn I...
Thành phố đã triển khai 34 dự án, chương trình thuộc Đề án Thành phố thông minh với kinh phí bố trí từ ngân sách địa phương. Đến nay, Đà Nẵng có 21 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí thực hiện 97,9 tỷ đồng; 5 dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công - dự toán với tổng kinh phí dự kiến 147,5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2022 - 2023; 3 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí dự kiến 8,5 tỷ đồng, đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công - dự toán để đưa vào sử dụng trong năm 2023; 4 dự án đang hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư và 1 dự án tạm dừng.
Nhiều giải pháp về công nghệ cũng đạt mục tiêu như hoàn thiện cơ bản cơ sở dữ liệu ngành y tế và hồ sơ điện tử sức khỏe công dân gắn với mã bệnh án điện tử hoàn thiện các bệnh viện điện tử, triển khai 1 bệnh viện thông minh; bắt đầu triển khai mô hình thành phố thông minh khu vực quận Liên Chiểu cùng với một số cụm đô thị thông minh như: Khu công nghệ cao; Khu công viên phần mềm số 2...
Đặc biệt, Đề án Thành phố thông minh góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế thành phố, nhất là phát triển kinh tế số; cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, phát triển xã hội số.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 934/QĐ-UBND, ngày 7/4/2022 về kế hoạch thực hiện Đề án Thành phố thông minh (2022 - 2025), trong đó ưu tiên một số nhiệm vụ như phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng
Internet; hoàn thành nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu với nền tảng điện toán đám mây; xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị đồng bộ, xây dựng, giao thông…
“Việc xây dựng thành phố thông minh lấy lợi ích của cá nhân, tổ chức làm trung tâm cần lắng nghe sự tương tác, phản hồi của các chủ thể. Đây là quá trình lâu dài nhằm xác định khung kiến trúc tổng thể là mô hình để định hướng; lộ trình là để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của Thành phố…”, ông Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh.