Đa năng
Nghe thông tin, thạc sỹ Vương Vĩnh Hiệp vẫn tham gia giảng dạy tại Trường đại học Nha Trang, với Bộ môn Nghệ thuật lãnh đạo dành cho sinh viên ngành quản trị kinh doanh năm cuối. Thảo nào ông bận thế! Ông đã bắt đầu công việc đặc biệt này từ tháng 1/2010, bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa Trường đại học Nha Trang và Công ty TNHH Long Sinh kể từ những năm đầu thành lập.
| ||
Ông Vương Vĩnh Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh (Khánh Hoà) |
Cũng là hợp duyên, bởi ông Hiệp luôn tâm đắc với mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong sự phát triển bền vững của từng cá thể.
“Doanh nghiệp sẽ có được giá trị gia tăng cho những hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ các công trình hợp tác nghiên cứu với nhà trường. Kinh nghiệm, thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn hữu ích với những nhà nghiên cứu, các giảng viên và đặc biệt là các sinh viên”, ông chia sẻ về công việc mà ông không muốn phân định nó là nghề tay trái hay tay phải.
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, nhưng cậu sinh viên Vương Vĩnh Hiệp lại khởi nghiệp với vị trí là thông dịch viên tiếng Trung của Công ty Dịch vụ Thủy sản Tây Nam Bộ, kiêm luôn vị trí dạy tiếng Trung cho thuyền viên, cán bộ quản lý thuyền viên của Công ty. Có thể cơ hội làm việc với các công ty thu mua thủy hải sản của Đài Loan, đặc biệt là các doanh nhân trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này, đã khơi lại chất kinh doanh trong cậu sinh viên ngành quản trị kinh doanh Vương Vĩnh Hiệp.
Năm 1995, ông Hiệp tham gia sâu hơn vào chuyên ngành này, khi đầu quân cho Công ty Uni International của Đài Loan. Tại đây, ngoài nhiệm vụ phiên dịch, ông còn được giao phụ trách quản lý chế biến thủy sản, xuất - nhập khẩu, tài chính, hành chính, kinh doanh. Và sự nghiệp kinh doanh cũng như sự hình thành Công ty TNHH Long Sinh bắt đầu chính từ những va chạm thực tế với công việc quản lý, kinh doanh, mà bấy lâu nay ông chỉ lờ mờ nhận biết qua mớ kiến thức khô cứng trong sách vở.
“Sau này, khi thành lập công ty, tôi mới hiểu những kiến thức mình học hỏi được còn rất nhỏ bé. Đây là lý do mà hiện giờ, dù công việc có bận rộn thế nào, tôi cũng không nề hà tìm kiếm các cơ hội đề học hỏi và giờ thêm cả việc chia sẻ những kinh nghiệm thương trường của mình”, CEO Vương Vĩnh Hiệp tâm sự.
Nhất nghệ tinh
Soi vào lĩnh vực hoạt động của Công ty TNHH Long Sinh, có thể thấy ngành nghề kinh doanh rất đa dạng. Từ sản xuất các dòng sản phẩm phục vụ ngành giống thủy sản; sản xuất thuốc thú y thủy sản; sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn tôm như bột cá, bột mực, bột sò…; rồi cả sản xuất phân bón lá sinh học cao cấp…
“Quan điểm của tôi là đa dạng lĩnh vực kinh doanh, nhưng theo nguyên tắc bám sát ngành kinh doanh cốt lõi. Đây là cách để tối đa hóa lợi nhuận của các ngành có sự liên kết với nhau”, ông nói và nhấn mạnh, đừng quá nặng nề khi cho rằng, đa ngành là không tốt.
Tận dụng các mối quan hệ sẵn có với các chuyên gia và đối tác nước ngoài, ông Hiệp quyết định tay trắng khởi nghiệp kinh doanh vào năm 1997. Lúc đầu thành lập, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là xuất khẩu thủy sản đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan... Nhưng thị trường biến đổi liên tục, cơ hội kinh doanh đã khác rất nhiều, nếu không mạnh dạn thay đổi, đa dạng hóa sản phẩm và sáng suốt nắm bắt các cơ hội, thì việc chuyển xoay tình thế trong thời khủng hoảng là rất khó.
Nghe ông kể, Long Sinh đúng là trải nghiệm đủ những thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mở cửa. Khởi nghiệp ngay trong thời điểm khủng hoảng tài chính khu vực lan rộng, song may mắn là doanh nghiệp nhỏ, nên sức ép của khủng hoảng chưa thực sự mạnh. “Nhưng tôi cũng kịp nhận ra sự bị động của một doanh nghiệp nếu chỉ chuyên thu mua xuất khẩu”, ông Hiệp nhớ lại.
Năm 1999, với định hướng phát triển kinh doanh và tầm nhìn dài hạn, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực thức ăn tôm thịt, thức ăn giống thủy sản, thuốc thú y thủy sản, phân bón sinh học… Đến năm 2006, Công ty quyết định tăng vốn điều lệ, bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là sản xuất nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi như bột cá, bột mực... Mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia...
“Chúng tôi có trong tay một dây chuyền sản xuất khép kín phục vụ mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao”, ông Hiệp nói và cho biết, cái khó của việc lựa chọn này không đơn giản là vốn và công nghệ, mà còn là hệ thống chính sách liên quan đến sự phát triển của ngành. Muốn mở rộng đầu tư nghiên cứu, nhưng thông tin đến với các doanh nghiệp tư nhân rất ít, đó là chưa kể sự hỗ trợ trong mở rộng thị trường xuất khẩu, thông tin về khoa học công nghệ… từ các cơ quan chức năng rất hiếm hoi.
Ông Vương Vĩnh Hiệp không thể quên thời điểm mà ông nghĩ là suýt chết, tưởng không thể vượt qua của Long Sinh. Đó là giai đoạn 2007-2009, khi khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới lan rộng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, các thị trường đều bị ảnh hưởng, hàng không bán được, khách hàng quay lưng, nhà cung ứng thay đổi, đối tác thoái vốn, nhân viên hoang mang…
“Hàng tháng trời, tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng/ngày, vì không thể chịu cảnh nhà xưởng, máy móc không hoạt động, anh em công nhân không có việc làm. Đúng là nghề nào nghiệp ấy”, ông Hiệp kể.
Rồi thì mọi việc cũng qua, kinh nghiệm kinh doanh, năng lực lãnh đạo và các mối quan hệ trong ngành, đặc biệt là sự linh hoạt trong chiến lược đối ngoại đã giúp ông Hiệp kéo lại khách hàng, nhà cung ứng và ngân hàng. Đây cũng là giai đoạn ông tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của Long Sinh.
Năm 2011, Long Sinh đánh dấu sự hồi phục sau khủng hoảng bằng kết quả kinh doanh ấn tượng nhất kể từ ngày thành lập. Và năm 2012 sau đó lại tiếp tục là một năm của những mốc son ấn tượng trong lịch sử 15 năm xây dựng và trưởng thành, với thành tích tăng 100 lần về vốn điều lệ, tăng 12,5 lần về lao động, tăng 7 lần về thu nhập của người lao động so với ngày đầu thành lập.
Cũng trong năm này, toàn thể Ban lãnh đạo cùng tập thể nhân viên Long Sinh hân hoan chào đón sự kiện khai trương Chi nhánh Long An (22/7/2012).
Bài học quá tam ba bận
Theo ông Vương Vĩnh Hiệp, những gì mà Long Sinh đạt được vào thời điểm này đã đi nhanh hơn dự tính của ông. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong đó có CEO Vương Vĩnh Hiệp của Công ty TNHH Long Sinh, đã thành danh nhờ sự hậu thuẫn chung của các bước cải thiện trong môi trường kinh doanh của Việt Nam so với thế giới.
Tuy nhiên, ông Hiệp thừa nhận, sự thiếu cẩn trọng và háo hức với cơ hội đã khiến nhiều doanh nghiệp, doanh nhân không vượt qua được khủng hoảng. “Giờ thì tôi đã thấm thía yêu cầu cẩn trọng trong quản trị.
Chiến lược cẩn trọng hơn, quản trị tài chính cẩn trọng hơn, sách lược với nhà cung ứng, với khách hàng cũng vậy, an toàn là nguyên tắc cao nhất trong giai đoạn hiện tại”, ông Hiệp chia sẻ về cơn bão thứ 3, cũng có thể là sẽ lớn và dai dẳng nhất, mà ông đã chứng kiến trong sự nghiệp kinh doanh 15 năm qua của mình.
“Quan điểm đơn ngành, đa ngành của tôi cũng thay đổi ít nhiều qua mỗi lần khủng hoảng. Trước đây hăng hái, sôi nổi với các cơ hội bao nhiêu, thì giờ tỉnh táo và cẩn trọng bấy nhiêu, bởi cơ hội ít đi, nhưng rủi ro và thách thức lại tăng lên”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp đang tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, nhằm tạo nên giá trị mới cho các sản phẩm thông qua mối liên hệ mật thiết với các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên của Trường đại học Nha Trang.
Vị CEO sau 3 lần đối mặt với những cơn bão này đã tìm được chìa khóa kinh doanh mà ông muốn chia sẻ, đó là “nền tảng phát triển của doanh nghiệp chỉ có thể vững khi được xây dựng trên những nền móng vững chắc là chất lượng quản trị và công nghệ”.
CEO Vương Vĩnh Hiệp * Luôn tâm niệm rằng, phải làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông - thủy sản của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. * Đến nay, ông vô cùng tự hào với những thành tích mà Long Sinh đã gặt hái được: 4 lần đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt (2005, 2008, 2010, 2013), liên tục nhận chứng chỉ hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 2005 đến 2010, trở thành Top 50 sản phẩm vàng thời hội nhập (năm 2012), Giải thưởng Vì sự phát triển cộng động ASEAN và nhiều giải thưởng khác… |
Khánh An