Ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đ.T |
Ngay sau bầu cử, việc kiểm phiếu đã diễn ra xuyên đêm, để kết quả bầu cử, theo luật định, gồm 500 đại biểu Quốc hội, 3.720 đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố, 22.952 đại biểu hội đồng nhân dân cấp quận/huyện và hơn 242.000 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã/phường kịp công bố đúng thời hạn, để gần 70 triệu cử tri biết chính xác những ai sẽ đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi đại biểu dân cử cần phải làm gì để tiếp tục thế và lực của cơ đồ này và mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả này?
Đó là câu hỏi mà báo chí dành cho cử tri đặc biệt - người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngay sau khi ông vừa thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong sáng sớm ngày 23/5.
“Tôi mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định”, Tổng Bí thư trả lời trong chương trình được truyền hình trực tiếp.
Vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm, người đã có 20 năm tham gia nghị trường, cũng bày tỏ tin tưởng, với ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử lần này, đất nước ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, ngày càng tốt đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Cùng thời điểm đó, hình ảnh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu tại TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng cũng lần lượt được ghi nhận, chuyển tải đến nhân dân cả nước. Và những phát biểu của các vị cử tri đặc biệt này đều nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Nhân dân đã thể hiện rất rõ vai trò ấy, qua lá phiếu. Tại Nhà Quốc hội, nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội, trong ngày bầu cử, các con số cử tri đi bầu liên tục được cập nhật. Chưa đến đến 10h sáng ngày 23/5, một số tổ bầu cử đã có 100% cử tri đi bầu. Hơn 12 giờ, một số địa phương đã có đến 85% cử tri thực hiện quyền công dân của mình. Gần 19 giờ, tỷ lệ cử tri đi bầu cả nước đã đạt 95,65%, nơi cao nhất là 99,92% và đến 19 giờ, thì tỷ lệ này đã lên đến 99,16%.
Với các cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện bình thường, con số trên đã là một minh chứng cho sự thành công. Còn lần này, như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lần đầu tiên, chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay.
Nhưng kết quả cho thấy, ở những địa bàn đang là tâm dịch Covid-19, tỷ lệ cử tri đi bầu vẫn rất cao. Có được kết quả đó, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, quan trọng nhất là niềm tin của người dân, lòng dân đối với chế độ, đối với Đảng, Nhà nước, trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. “Thông qua cuộc bầu cử để hiểu được lòng dân”, bà Trà chia sẻ.
Gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe đầy đủ và phản ánh trung thực ý kiến của nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm... cũng chính là thông điệp nổi bật từ chương trình hành động của các ứng viên đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Rồi đây, những người trúng cử lại càng phải dốc sức thực hiện cam kết này, không chỉ để đền đáp niềm tin mà cử tri đã "tạm ứng" cho mình, mà còn để thực hiện cho được mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trách nhiệm nặng nề, đương nhiên đòi hỏi các đại biểu dân cử nhiệm kỳ mới sự dấn thân, dám đột phá, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Với riêng Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có 9 người tự ứng cử có tên trong danh sách các ứng viên chính thức. Rồi đây, có thể nghị trường sẽ có tiếng nói của một hoặc nhiều hơn một đại biểu tự ứng cử và được cử tri tín nhiệm qua lá phiếu. Như vậy, người dân không chỉ chọn người lo việc nước, mà còn tình nguyện gánh vác việc nước.
Khát vọng phát triển đất nước không chỉ của riêng ai, cũng sẽ không thể trở thành sức mạnh, nếu đại biểu dân cử phụ niềm tin cử tri đã gửi gắm vào từng lá phiếu. Cử tri cả nước đã rất trách nhiệm trong việc lựa chọn người đại diện cho mình và điều này rất cần được tiếp nối khi cử tri thực hiện quyền giám sát đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, những người mà theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chính là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng ở từng tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cũng theo luật định, căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.