Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường (Ảnh Quochoi.vn). |
Là đại biểu hiếm hoi tham gia thảo luận cả báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục đăng đàn và gây tranh luận phiên thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao.
Xác định tỷ lệ oan sai là rất là nguy hiểm
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc xác định tỷ lệ oan sai là rất là nguy hiểm.
"Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như thế nào. Chính vì tỷ lệ này nên ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu không khắc phục vấn đề này thì rất nguy hiểm và tỷ lệ oan sai này liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng, là liệu có hay không có tỷ lệ công lý? Công lý thì làm sao có tỷ lệ. Công lý là công lý" - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Bến Tre đề nghị cần hết sức lưu ý về xác định chỉ tiêu và đề nghị Quốc hội khóa XV sắp tới cũng phải xem xét vấn đề này.
Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cách tiếp cận của đại biểu Nhưỡng chưa hợp lý.
Theo đại biểu Hồng, thực tế không phải chỉ Việt Nam có oan sai, mà thực tế trong thời gian vừa qua, vì có oan sai nên cần tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu, không có nghĩa đặt ra chỉ tiêu này mặc nhiên công nhận là trong nền tư pháp của chúng ta có oan sai.
"Thực tế khi ra nghị quyết đặt ra chỉ tiêu thì chúng ta đạt được tỷ lệ oan sai giảm, tôi nghĩ đây là điều chúng ta làm rất tốt và Quốc hội đã thông qua một nghị quyết như thế" - ông Hồng nói.
Người thứ hai tranh luận với ông Lưu Bình Nhưỡng là đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội. Ông Chính nói trong các báo cáo của Toà án Nhân dân tối cao không có chỉ tiêu oan sai, mà chỉ nêu tỷ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định của pháp luật. Do đó, theo ông Chính, việc ông Nhưỡng đề cập "tỷ lệ oan sai" và phân tích dẫn đến hiểu nhầm.
Tranh luận lại với cả đại biểu Thanh Hồng và Hữu Chính, Lưu Bình Nhưỡng lập luận: "Trong báo cáo và trong nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai, nhưng mà xin thưa hai đại biểu là, khi anh nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì còn lại đó là cái gì? Tất cả cử tri cả nước đều hiểu phần còn lại là phần oan sai, chứ cần gì phải nói đó chỉ tiêu oan sai, đó là cách nói của chúng ta. Chúng ta không nên bẻ câu chuyện ra, phải hiểu cho đúng.".
Không nên đặt ra chỉ tiêu xét xử đúng. Chúng ta chỉ nên khẳng định là cần phải xét xử đúng, không nên đặt ra chỉ tiêu, ông Nhưỡng nói.
Dư luận lo án bỏ túi
Một vấn đề khác cũng được đại biểu Nhưỡng cho rằng, cần quan tâm, đó là những cuộc làm việc liên ngành giữa các cơ quan tư pháp.
Ông Nhưỡng cho biết có tham gia làm luật sư một vụ án nổi tiếng là vụ án Tân Thanh, Lạng Sơn. Có vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nói, vấn đề này chúng tôi đã có văn bản họp liên ngành. Theo đại biểu, cần phải khắc phục để đảm bảo tính độc lập của tư pháp.
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, ví dụ trên chỉ là "cá biệt". Họp liên ngành là thống nhất nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, thực tiễn trong việc xử lý vụ việc.
"Phối hợp ở đây không có nghĩa là đưa ra làm giảm tính độc lập của xét xử. Ngược lại, nó đúng với nguyên tắc các cơ quan nhà nước độc lập, phân công phân quyền và có phối hợp", đại biểu Hồng tranh luận.
Đại biểu Chính cũng cho rằng, những vụ án phải họp liên ngành đều là những vụ án phức tạp, khó, họp liên ngành là để tìm ra giải pháp một là tình tiết buộc tội, hoặc nếu không đủ thì phải điều chỉnh. Chứ họp liên ngành không phải để bàn nhau thống nhất truy tố, xét xử.
Khẳng định không nói liên ngành là xấu, song ông Nhưỡng cho rằng, thế giới không công nhận chuyện các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau. Ở Đức, chỉ cần Chánh án hỏi thẩm phán vụ ấy đã xử chưa, có nghĩa đã xâm phạm vào nguyên tắc độc lập, xét xử.
"Chỉ riêng hình thức hoạt động liên ngành đã là không cần thiết, chưa cần biết có bàn hay không bàn vấn đề gì, biết đâu bàn dứt khoát trường hợp này phải kết tội, trường hợp này phải bỏ tù, trường hợp này phải xử bằng này năm. Cho nên, dư luận đánh giá có hay không có chuyện án bỏ túi là như thế" - ông Nhưỡng nói.