Thời sự
Đại biểu Quốc hội chua chát khi thấy nhiều địa phương vui vẻ nằm trong… top nghèo
Hàn Tín - 25/03/2016 09:20
Một nhận xét vừa thực tế pha lẫn chua xót được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc đưa ra là “Hội nhập rồi mà nhiều địa phương không thấy lo lắng gì cả, tâm lý nghèo bình tĩnh, vui vẻ khi nằm trong top những tỉnh nghèo nhất cả nước”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tiếp tục chủ đề thất thoát, lãng phí, khi thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc nhắc lại việc ông chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 10.

“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 là có thể ước lượng được thất thoát, lãng phí. Nhưng định lượng chính xác rất khó, vì lãng phí, thất thoát, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực diễn ra rất rộng từ tài nguyên, khoáng sản cho đến tiền vốn, nhân lực… Đúng là khó định lượng thất thoát, lãng phí, nhưng phải đưa ra con số ước lượng, bởi thất thoát, lãng phí hiện nay rất ghê gớm, hạ thấp chất lượng tăng trưởng, kéo lùi thu nhập thực tế của cả nền kinh tế”, ông Phúc nhấn mạnh.

Điểm lại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương, ông Phúc nhận thấy, báo cáo nào cũng khẳng định hoạt động sản xuất, kinh doanh;chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tất cả lĩnh vực cả nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng đều “chuyển dịch theo hướng tích cực”, “có chuyển biến mạnh mẽ”… “Nhưng đi giám sát thì thực tế không hay như báo cáo”, ông Phúc cho biết.

Theo đánh giá của ông Phúc, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, với trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế đã được Thủ tướng quyết tâm, nhiều bộ ngành quyết liệt, đặc biệt là “kiến trúc sư trưởng” tái cơ cấu kinh tế - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh rất tâm huyết, nhưng khi triển khai thì nhiều địa phương vẫn có tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ, ỷ lại vào cấp trên, trông chờ bao cấp từ Trung ương. “Hội nhập rồi mà nhiều địa phương không thấy lo lắng gì cả, tâm lý nghèo bình tĩnh, vui vẻ khi nằm trong top những tỉnh nghèo nhất cả nước”, ông Phúc nói.

“Vì sao lại có tình trạng này? Vì nơi làm tốt cũng như nơi làm chưa tốt, hòa cả làng, thậm chí lãnh đạo địa phương làm không tốt cũng vào Trung ương. Tình trạng diễn ra khá phổ biến là, “lệnh” của bộ trưởng ngành bị lãnh đạo địa phương phớt lờ, nếu việc đó ảnh hưởng đến quyền lợi cục bộ địa phương. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, không có cách gì xử lý, vì bộ trưởng và người đứng đầu địa phương đều… hàm cấp ngang nhau!

Thực tế luôn khác xa với các báo cáo của các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội.

Tình trạng giám đốc sở “thách thức” cả lãnh đạo bộ, nhưng cũng không xử lý được, vì lãnh đạo bộ không có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với giám đốc sở, mà đây lại thuộc thẩm quyền của địa phương”, ông Phúc nêu thực trạng và cho rằng, triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, muốn đất nước lên một tầm cao mới, muốn giảm được thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công thì phải đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền rạch ròi, không chồng lấn, trùng lắp và đặc biệt phải chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Mặc dù ông Phúc không “điểm mặt, chỉ tên” địa phương nào ỷ lại, trông chờ và yên tâm nằm trong top “nghèo bền vững”, nhưng đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thanh  tỏ ra hơi tự ái khi khẳng định: “Ở nơi khác tôi không biết, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long, cả 12 tỉnh và TP. Cần Thơ không địa phương nào trông chờ, ỷ lại và muốn nghèo bền vững”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá tôm của cả nước, nhưng thực tế vẫn còn rất nghèo. Lý giải về sự thật này, ông Thanh cho biết, các địa phương đã cố gắng hết sức mình, nhưng cần sự hỗ trợ của Trung ương mạnh mẽ hơn nữa, bởi rất nhiều vấn đề vượt quá tầm kiểm soát của cả vùng như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

“Miền Tây đúng là được thiên nhiên ưu đãi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nhưng trên thực tế thì một gia đình làm quần quật cả năm trên 1,5 công ruộng (1.500 m2) mới đủ chi phí cho một người con đi học đại học”, ông Thanh chia sẻ.

Một nội dung khác ông Thanh mong muốn Trung ương hỗ trợ đó là việc đứng ra liên kết giữa các địa phương trong khu vực để cùng nhau phát triển thay vì mạnh ai nấy làm, địa phương này được hưởng lợi lại gây hại cho địa phương khác.

“Có một thực tế là địa phương ở phía trên ngăn nước để phát triển nông nghiệp khiến địa phương ở phía dưới bị ngập mặn, mất mùa. Bên này sông địa phương khác cho khai thác cát để tăng thu ngân sách thì bên kia sông, địa phương khác bị xói lở bờ sống, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân”, ông Thanh cho biết.

Tin liên quan
Tin khác