Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Giang Huy |
Sáng 24/3, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tiếp theo. Ở đoàn TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn những tồn tại chưa chỉ rõ nguyên nhân.
Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng có lợi ích nhóm, vậy "thực tế có lợi ích nhóm không. Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được nhóm nào", bà đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM băn khoăn, "liệu lợi ích nhóm có chi phối chính sách, làm lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm có tới diễn đàn Quốc hội. Và đây có phải nguyên nhân chúng ta không tiếp thu được những ý kiến, hiến kế của chuyên gia".
Báo cáo các kỳ đại hội đều đánh giá nhân dân đang giảm sút niềm tin vào Đảng, bà Tâm không đồng tình vì cho rằng, người dân vẫn tin vào chủ trương, chính sách, mục tiêu Đảng sống và chiến đấu vì nhân dân, nhưng nhân dân giảm sút niềm tin ở chỗ triển khai thực hiện nghị quyết - nói không đi đôi với làm.
"Trong những cái lãng phí thì lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân. Trước đây dân tin vào Đảng, Nhà nước là niềm tin tự giác, được xây dựng bằng xương máu, vậy khi niềm tin giảm sút thì biện pháp nào để lấy lại", bà đặt vấn đề.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng) cũng băn khoăn về lợi ích nhóm.
Đại biểu cho hay nhiều cử tri thắc mắc việc dự án đường nước sông Đà số 2 có doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu mà một trong những lý do là "giá rẻ hơn so với giá phê duyệt".
Ông Tiến nêu câu chuyện dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) vừa kéo dài thời gian, vừa đội vốn, thậm chí đội vốn lên 100% và gọi đó "là bài học rất đắt giá cho Việt Nam". Đại biểu này đề nghị những người quyết định phải quan tâm đến năng lực, chất lượng nhà thầu. Nếu để nhiều công trình rơi vào tình trạng tương tự đường sắt trên cao ở Hà Nội thì chỉ có gây tốn kém, lãng phí của dân, của nước.
"Cái chúng ta quan tâm là chất lượng, không phải bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm lại rơi vào thế đã cưỡi lưng hổ không thể xuống được. Công trình dang dở, đình trệ, chậm tiến độ chúng ta lại phải bỏ thêm vốn để làm. Tôi đề nghị người có trách nhiệm quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì bỏ thầu thấp hay gì đó", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị với các công trình mà giá bỏ thầu thấp, sau này để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải tìm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và cả Hội đồng tư vấn.
"Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ mà ở đây là do tầm nhìn. Chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần hoặc lẽ ra sử dụng công trình cả trăm năm thì nay chỉ vài năm đã hỏng, chúng ta lại đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều", ông Tiến nói.