Thời sự
Quốc hội đánh giá cao vai trò khu vực đầu tư nước ngoài trong xuất khẩu
Mạnh Bôn - 21/03/2016 11:15
Theo Báo cáo thẩm tra thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, thì một trong những thành tích nổi bật nhất trong 5 năm qua là đã giảm được nhập siêu, trong đó vai trò của Công ty Samsung Vietnam rất lớn.

Theo báo cáo này, tỷ lệ nhập siêu giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn 1,93% so với tổng kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với tỷ lệ 22,4% của giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó có sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Công ty Samsung Vietnam.

“Trong vòng 3 năm qua, Công ty Samsung Vietnam đã xuất siêu tổng cộng 21,5 tỷ USD (năm 2013 đã xuất siêu 3,9 tỷ USD; năm 2014 xuất siêu 6,5 tỷ USD và năm 2015 xuất siêu 11,1 tỷ USD), góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Giàu nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 5 năm vừa qua đạt 656 tỷ USD, tăng bình quân 17,5%/năm, tương đương tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của giai đoạn 2001 - 2005 (tăng 17,5%/năm) và giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 17,4%) và vượt mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 12%/năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 666 tỷ USD (nhập siêu khoảng 10 tỷ USD), tăng bình quân 14,3%, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 là 18,2%.

Theo ông Giàu, nếu không có sự đóng góp rất lớn của Công ty Samsung Vietnam, nhập siêu của nước ta sẽ vô cùng lớn.

“Nhập siêu được kiềm chế ngay từ năm 2011 và tiếp tục được cải thiện trong những năm tiếp theo. Cụ thể, nếu như năm 2011, nhập siêu 9,8 tỷ USD, chiếm 10,16% tổng kim ngạch xuất khẩu thì 3 năm sau đó đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Đặc biệt năm 2014, cán cân thương mại đã thặng dư tới 2,4 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, nhập siêu đã quay trở lại, nhưng cũng chỉ tương đương 2% kim ngạch xuất khẩu”, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ông Phương cũng đánh giá rất cao sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong thời gian vừa qua.

“Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu tăng trưởng cao không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, mà còn là một trong những nhân tố quan trọng giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không bị giảm sâu trong những năm vừa qua”, ông Phương nhấn mạnh.

Ngoài việc giảm được nhập siêu, trong giai đoạn vừa qua, theo ông Giàu, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên (xem bảng), kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát giảm mạnh từ mức 18,13% vào năm 2011 xuống còn 0,63% vào năm 2015, GDP tăng trưởng dần từ từ 5,25% năm 2012 lên 6,68% vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD vào năm 2015. Ngược lại, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh xuống chỉ còn 4,5% vào năm 2015 thay vì 14,2% ở thời điểm đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, trong đó, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được.

Cụ thể, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của 5 năm giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP chí có  29% - thấp xa so với các nước trong khu vực (chiếm 35 - 40%). Hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao và hầu như không được cải thiện so với giai đoạn trước đó (giai đoạn 2006-2010 chỉ số ICOR là 6,96 thì đến giai đoạn vừa qua là 6,92). Tốc độ tăng năng suất lao động mặc dù trong thời gian vừa qua tăng cao nhất so với các nước trong khu vực, nhưng hiện tại, năng suất lao động của Việt Nam mới bằng 1/18 Singapore, bằng 1/6,5 Malaysia, bằng 1/2,7 Thái Lan…

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh từ mức chiếm 55,2% tổng chi giai đoạn trước tăng lên 65% trong giai đoạn vừa qua là nhân tố quan trọng khiến việc giảm bội chi không đạt kế hoạch và còn tăng cao hơn so với giai đoạn trước. Năm 2015 bội chi đã tương đương 6,1% GDP, tăng hơn so với mức bội chi của giai đoạn trước là 5,5% GDP và cao hơn rất nhiều so với kế hoạch là dưới 4,5% GDP cho dù trong giai đoạn vừa qua, dự toán ngân sách năm sau hầu như tang hơn năm trước và năm nào cũng vượt dự toán hàng chục ngàn tỷ đồng.

Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người


Kế hoạch

2011

2012

2013

2014

2015

Thực hiện

GDP (tỷ USD)

180-184

133,3

155,3

171,2

186,2

193,4

193,4

GDP/người (USD)

1.965-2.000

1.517

1.748

1.907

2.052

2.109

2.109

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin liên quan
Tin khác