Ngân hàng
Đại dịch thúc đẩy người dân tiếp xúc với dịch vụ thanh toán không chạm
Thùy Vinh - 11/12/2020 14:57
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt buộc người tiêu dùng phải hạn chế thanh toán tiền mặt, gia tăng sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc, đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt.

Đẩy mạnh thanh toán không chạm hạn chế dịch bệnh 

Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng vọt. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%.

Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng gần 981% về số lượng, tăng gần 800% về giá trị. Tính trong cả 5 năm qua, thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng, nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

Trong khi đó, theo các khảo sát của Visa trong năm 2020, kết nối thông minh đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam với hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc.

Bên cạnh đó, với 129,5 triệu thuê bao di động - hơn một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G - cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về các giải pháp thanh toán kỹ thuật số của người tiêu dùng.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam hiện đang gia tăng sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số sau dịch Covid-19. Vì vậy, việc cấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là một giải pháp tiết kiệm và dễ sử dụng để chuyển sang kỷ nguyên không tiếp xúc.

Chẳng hạn giải pháp "Tap to phone" vừa được Sacombank và Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa hợp tác triển khai công nghệ - Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động không chỉ hữu ích cho hoạt động thanh toán tại cửa hàng mà còn có thể được sử dụng khi giao hàng, giúp người tiêu dùng thanh toán không tiếp xúc ngay tại nhà khi nhận hàng.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, Tap to phone cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc.

Hiện Tap to phone đã được áp dụng đối với các thiết bị di động hệ điều hành Android có hỗ trợ công nghệ kết nối không dây tầm ngắn NFC và trong tương lai sẽ được mở rộng thêm đối với hệ điều hành IOS.

Thống kê cho thấy, dịch vụ giao hàng tận nhà đã được 87% người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng, trong đó 64% người tiêu dùng cho biết họ thực hiện thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.

Điều này có nghĩa, thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là một giải pháp thanh toán lý tưởng cho các đơn vị giao nhận như Tiki trong việc thực hiện dịch vụ giao hàng không tiếp xúc tận nhà.

Bà Nguyễn Thị Ánh Vân, Giám đốc Tài chính của Tiki cho biết, hiện nay, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trên Tiki chiếm hơn 40%, là tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung trong thương mại điện tử.

Trước đó, từ năm 2019, Tiki đã triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt qua máy mPOS khi giao hàng, nhằm giúp khách hàng giải tỏa sự bất tiện của việc mang theo tiền mặt, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thói quen thanh toán không tiền mặt.

Vì thế, việc các ngân hàng và Fintech tiếp tục mang đến giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động chính là động lực to lớn góp phần hướng đến xã hội không tiền mặt tại Việt Nam.

Thói quen dùng tiền mặt vẫn là rào cản lớn

Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc Điều hành của Moca cho rằng, lực cản đối với các trung gian thanh toán là thói quen dùng tiền mặt, nhưng do Covid-19 người tiêu dùng dần chuyển qua hình thức không tiếp xúc.

Không thể phủ nhận một trong những tác động tích cực của dịch Covid-19 nói chung là thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đây là cơ hội tốt cho các công ty Fintech, ví điện tử.

Thực tế, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều xáo động đối với các thành phần của nền kinh tế và hành vi của người tiêu dùng khi bắt buộc phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn và giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, việc tạo ra được công cụ thanh toán và các phương thức bán hàng trực tuyến, tiện dụng cho người dùng là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các công ty FinTech, trung gian thanh toán và thương mại điện tử.

Do đó, theo ông Bình, bản thân Moca và đối tác Grab Việt Nam đã nỗ lực tối đa để thực hiện nhiều điều chỉnh về sản phẩm, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mới vừa đảm bảo được an toàn cho người dùng khi thanh toán trực tuyến.

Chỉ trong năm 2020, Moca đã có thêm 2,5 triệu người dùng mới. Riêng trong tháng 3/2020, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt qua Moca trên nền tảng Grab tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.

Tính tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch Covid-19 giao dịch không dùng tiền mặt được thực hiện qua Moca chiếm đến 43%. Riêng với dịch vụ đi chợ trực tuyến GrabMart, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%. 

Quả thực, Covid-19 vừa qua thì thói quen này đã bộc lộ những giới hạn nhất định do người dân chuyển qua các hình thức không tiếp xúc thông qua việc mua hàng trực tuyến trên website hoặc qua ứng dụng, để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Điều này đã tạo điều kiện cho các công ty Fintech và thương mại điện tử thể hiện rõ các ưu thế của mình. Moca và đối tác Grab đã kịp thời nắm bắt được thời cơ này, tạo ra các sản phẩm mới, đảm bảo sự thông suốt, liền mạch trong việc kết nối dịch vụ, mua bán hàng hóa và thanh toán cho người dùng.

Chính sự phát triển của các chính sách và quy định pháp luật cũng sẽ là yếu tố quan trọng cho việc phát triển của các trung gian thanh toán.

Có được định hướng chuyển đổi mạnh mẽ của Chính phủ cũng như các quy định thúc đẩy tính an toàn của thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là cơ sở quyết định để các doanh nghiệp phát triển.

Lấy ví dụ như yêu cầu về triển khai xác thực hồ sơ người dùng vừa có hiệu lực từ đầu năm nay đã cho phép các ví điện tử thúc đẩy việc chống gian lận trong hoạt động thanh toán. 

Thị trường Fintech Việt Nam năm 2021 nói riêng và giai đoạn hậu Covid-19 nói chung được giới phân tích tài chính đánh giá, sẽ có những bước phát triển vượt bậc.

Ngày càng có nhiều người dân thanh toán không dùng tiền mặt vì họ yêu cầu ngày càng cao về tính an toàn và sự tiện lợi. Đây sẽ là cơ hội để lớn thay đổi thói quen dùng tiền mặt, và đòi hỏi nỗ lực chung của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Không chỉ cá nhân mà cũng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phải chuyển đổi số và lựa chọn thanh toán không tiền mặt để tối ưu vận hành, đảm bảo doanh thu.

Đồng thời, sẽ ngày càng có nhiều công ty tham gia vào thị trường fintech vì dư địa của thị trường còn rất lớn và các mảng dịch vụ trong thị trường này đều rất tiềm năng. 

Tin liên quan
Tin khác