Chính thức được “bấm giờ” từ tháng 2/2009, Dự án Phát triển giao thông Đồng bằng Bắc Bộ (WB6) trị giá 170 triệu USD có mục tiêu nâng cao năng lực vận tải một số tuyến đường thủy huyết mạch sẽ phải hoàn thành sau đúng 1 năm nữa.
| ||
Trong danh sách các dự án giao thông hụt hơi về tiến độ, có sự góp mặt của Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Anh Minh |
Tuy nhiên, sau 5 năm 8 tháng triển khai, chủ đầu tư - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (VIWA) - mới giải ngân được chưa đầy 30% giá trị hiệp định vay và để bám được các mục tiêu ban đầu, Dự án cần thêm ít nhất 130 triệu USD nữa.
Đây là lý do khiến cả nhà tài trợ và Bộ Giao thông - Vận tải đều không thể hài lòng với cách vận hành yếu kém của VIWA, Ban quản lý Dự án đường thủy phía Bắc.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án WB6 không phải là công trình hạ tầng giao thông duy nhất lọt vào danh sách báo động đỏ về tiến độ của hai nhà tài trợ ODA lớn là WB và ADB.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá tiến độ thực hiện các dự án giao thông vốn vay WB, ADB, được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, 7/10 dự án giao thông - đô thị sử dụng khoảng 3,351 tỷ USD vốn vay WB, ADB thuộc danh sách đánh giá, rà soát năm 2013 đều ít nhiều “hụt hơi” về tiến độ.
Trong số đó, có những dự án quy mô vốn lớn như: Dự án Giao thông đô thị Hà Nội (liên tục 47 tháng bị WB xếp vào loại có vấn đề); Dự án Giao thông đô thị Hà Nội; Dự án Nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; Dự án Tàu điện ngầm Hà Nội tuyến 3 Nhổn - Hà Nội; Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai...
“Việc chậm trễ trong triển khai các dự án trong lĩnh vực giao thông đang tạo dư luận không thuận đối với ban lãnh đạo WB/ADB về việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án ODA do bộ này quản lý, thiếu vốn đối ứng phục vụ giải phóng mặt bằng đang là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất. Thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, vốn đối ứng không những chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu, mà còn được ghi rất chậm, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, vốn đối ứng bố trí phục vụ giải phóng mặt bằng năm 2013 là 100 tỷ/1.472 tỷ đồng nhu cầu. Tình hình thiếu vốn căng tới mức, ADB yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải phải cấp đủ vốn đối ứng trước ngày 30/6/2013, nếu không khoản vay 350 triệu USD sẽ bị ngừng.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, thực trạng trên “rất đáng lo ngại” và công tác triển khai những dự án ODA giao thông thời gian qua, tuy có những tiến bộ, nhưng hầu hết vẫn “kém và hạn chế”.
Để tạo sự chuyển biến về tiến độ các dự án, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương liệt kê và phân loại rõ những hạn chế, tồn tại ở các dự án, để đưa ra những biện pháp cấp bách, phải làm ngay, cũng như biện pháp dài hạn, xử lý triệt để các điểm yếu.
Trên tinh thần đó, vốn đối ứng để triển khai dự án là điều cần ưu tiên giải quyết sớm và bằng mọi cách phải đảm bảo. Trên cơ sở rà soát từng dự án, đầu tháng 7 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình báo cáo đầy đủ để Chính phủ xem xét, cân đối phù hợp.
Tương tự là vấn đề giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý những vụ việc, vướng mắc mà cấp thẩm quyền đang vướng hoặc chậm trễ để báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo xử lý dứt điểm. Trong trường hợp thật cần thiết, quá khó khăn, mới xem xét đến việc tái cơ cấu dự án.
“Bộ Giao thông - Vận tải phải kiên quyết xử lý những nhà thầu yếu kém, không để tình trạng cạnh tranh bỏ thầu giá quá thấp hoặc vì tranh nhau dự án mà đầu tư nhân lực, khả năng tài chính không đảm bảo yêu cầu. Đối với dự án quá chậm thì có thể đánh giá lại năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án, để kiên quyết xử lý, xem xét điều tiết vốn cho dự án ưu tiên khác”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Anh Minh