Dự án - quy hoạch
Đại gia BĐS chuyển hướng đầu tư từ thành phố lớn về các tỉnh có nhiều tiềm năng
Như Loan - 29/03/2019 07:02
Quỹ đất tại các thành phố lớn đang dần bị thu hẹp trong khi các tỉnh lân cận đang được đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhiều đại gia bất động sản (BĐS) đã tìm về các tỉnh vùng ven như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc hay xa hơn là Bắc Giang, Lạng Sơn... để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nhà đầu tư đồng loạt tấn công thị trường tỉnh

Nhiều năm qua, các doanh nghệp bất động sản tập trung đầu tư tại Hà Nội đã khiến quỹ đất nội thành trở nên vô cùng chật hẹp. Bên cạnh đó, thời gian tạo lập dự án khá dài, phải mất 3-5 năm để có đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về tài chính. Đồng thời, giá đất đắt đỏ và bị siết chặt quản lý cũng khiến các nhà đầu tư BĐS tại các thị trường lớn ngày càng khó khăn hơn. Xu hướng dịch chuyển đầu tư BĐS về các vùng ven đô cũng vì vậy mà gia tăng mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, năm 2019 xu hướng này sẽ còn phát triển rầm rộ hơn do các ưu đãi đầu tư và đặc biệt là có sự đầu tư mạnh của chính Nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, nhất là tại những địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế và du lịch nghỉ dưỡng.

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội đã bắt đầu có các động thái vươn khỏi thành phố, săn" quỹ đất mới, phát triển dòng sản phẩm mới.

Điển hình như tại Bắc Ninh, tập đoàn Him Lam đã góp mặt với dự án Him Lam Green Park. Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, được xây dựng trên quy mô 26,8ha đất tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh. Nhiều dự án BĐS khác với hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề cũng được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: Thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong.

Bắc Ninh đón sóng đầu tư vùng ven với hàng loạt dự án lớn

Tại TP Thái Nguyên, theo thống kê có tới gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề đang được chào bán. Tỷ lệ hấp thụ tương đối lớn.

Một số tỉnh khác như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… - những nơi có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người cao, đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.

Lý giải cho xu hướng này, đại diện một chủ đầu tư chia sẻ: “Doanh nghiệp chuyển hướng thị trường BĐS tỉnh lẻ vì giá nhà, đất mềm hơn, các chủ đầu tư sẽ dễ phát triển dự án hơn với nguồn vốn đầu tư không quá lớn, lợi nhuận sau 1-2 năm cũng rất cao. Hơn nữa, nhà đầu tư có vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng là có thể đầu tư rồi”.

Triển vọng phát triển BĐS Lạng Sơn

Là tỉnh thành có nền kinh tế cửa khẩu phát triển sôi động, BĐS Lạng Sơn cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển. Nhờ lợi thế đường biên dài tạo điều kiện cho việc giao thương, hằng năm Lạng Sơn thu hút khoảng 2.700 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Riêng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt 4,855 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 325/QĐ-TTg công nhận TP. Lạng Sơn là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh cũng đang được đầu tư mạnh tay về hạ tầng giao thông, như dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115km...và hệ thống đường sẵn có: quốc lộ 1A, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, đường quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, đường quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, đường quốc lộ 4A đi Cao Bằng…, đem đến những lợi thế lớn về hạ tầng, thu hút nhiều nhà đầu tư trên cả nước và thúc đẩy thị trường BĐS khởi sắc.

Bên cạnh các ông lớn như Vingroup, Mường Thanh…đã sớm sở hữu những lô đất vàng tại thành phố Lạng Sơn, mới đây, Lạng Sơn đón thêm nhiều nhà đầu tư vào nghiên cứu và đầu tư thêm hàng loạt dự án. Trong số đó phải kể đến các dự án Apec Golden Palace tại 85 Lê Đại Hành, TP. Lạng Sơn và Apec Diamond Park tại khu đất nhà máy xi măng Lạng Sơn (cũ) do Apec Group là đơn vị phát triển dự án.

BĐS Lạng Sơn đang cất cánh với nhiều dự án lớn được đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của Lạng Sơn (Ảnh minh họa)

Theo đại diện Apec Group, Lạng Sơn là tỉnh thành đang có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý khá tốt. Tỉnh cũng đang tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Điều này đã giúp Apec quyết tâm tập trung nguồn lực về Lạng Sơn để đầu tư, phát triển dự án.

Được biết, Apec Group sẽ phát triển dự án Apec Diamond Park trở thành tổ hợp căn hộ, thương mại, dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, đầu tư hệ thống tiện ích nội khu đồng bộ, đa dạng và chất lượng để tạo ra các sản phẩm tiềm năng hút khách hàng. Sự góp mặt của các đơn vị quản lý quốc tế uy tín trong hoạt động vận hành cũng là bảo chứng vững chắc cho chất lượng dịch vụ của dự án và góp phần gia tăng giá trị tài sản cho loại hình sản phẩm cam kết tại dự án này.

Tin liên quan
Tin khác