Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động; khẳng định vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đại hội dự kiến có 950 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế. Trong số 950 đại biểu tham dự Đại hội có 31% là nữ, 4,4% đại biểu dân tộc ít người, khối hành chính – sự nghiệp chiếm 57,2%, đại biểu khối sản xuất, kinh doanh chiếm 42,8%, có 4,1% đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất.
Với tinh thần “đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Đại hội xác định: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần bảo vệ tổ quốc.
Đại hội sẽ thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Đồng thời, thảo luận, biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam không chỉ quyết định mục tiêu, phương hướng cho cả nhiệm kỳ 2018-2023, mà còn bàn bạc, thảo luận, thống nhất các khâu đột phá của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, nhằm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo để vận dụng và tổ chức thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của tổ chức công đoàn cũng như mong muốn của người lao động.