Một sự đồng thuận nhìn thấy rõ khi tại các phiên thảo luận về văn kiện Đại hội XII, các đại biểu dự Đại hội đã đều thống nhất quan điểm, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ, kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
“Những thành tựu của công cuộc Đổi mới là không thể phủ nhận. Đó cũng chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua thách thức trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã rất thẳng thắn khi nhìn nhận “Việt Nam đang ở đâu” sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới.
Các đại biểu dự Đại hội đều thống nhất quan điểm, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau |
Số liệu được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chiếu, tính theo số liệu của năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, cụ thể là 2.052 USD trên khoảng gần 12.000 USD bình quân của thế giới. Mức này chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan.
Thực tế này cho thấy, kinh tế Việt Nam, dù đã có được những thành tựu to lớn sau 30 năm Đổi mới, nhưng nguy cơ tụt hậu là vẫn còn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Đại hội XII cũng đã nhấn mạnh điều này.
Vì thế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đang ở trong giai đoạn mà yêu cầu Đổi mới và phát triển đang cấp bách hơn bao giờ hết. Lý do là vì, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng. Tính từ năm 1970, thường kéo dài 50 năm, thì nghĩa là đến năm 2020, Việt Nam hết cơ hội dân số vàng. Nếu tính thêm 5 năm là đến năm 2025, thì Việt Nam chỉ còn khoảng tối đa 10 năm.
Thêm nữa, những động lực từ công cuộc Đổi mới trước đây đem lại dần hết phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
Bởi vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, một trong những điểm mấu chốt hàng đầu đó là phải đổi mới thể chế kinh tế. Và có 3 trụ cột chính cần tập trung đổi mới trong giai đoạn tới. Đó là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường; thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp; và nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
“Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 7%. Có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8%, để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và bày tỏ sự trăn trở khi năng suất lao động của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đáng nói hơn, là năng suất lao động ngay cả của khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp.
“Năng suất thấp vì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện, các yếu tố vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa được phân bổ theo cơ chế thị trường, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ quan điểm và khẳng định, phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân về cả số lượng và chất lượng; coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp.
“Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, thông qua việc hoàn thiện và củng cố nền tảng của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin. Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và nguồn vốn thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp này, nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Cũng đồng thuận với thông điệp Đổi mới từ Đại hội XII, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thì mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
“Cần rà soát lại mô hình tổng quát phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới. Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, cần xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước theo hướng Nhà nước đề ra những thể chế kiến tạo sự phát triển, nhất là kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo công bằng xã hội”, ông Nguyễn Đức Chung nói và khẳng định, Hà Nội cũng sẽ chủ động rà soát lại mô hình phát triển, trong đó sẽ chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, đồng thời đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lại nhấn mạnh việc thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh; tích cực tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...
“Chúng ta phải gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hôi đất nước; nhằm bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.