Vùng eo nhỏ trên biển hồ Tà Dùng. Ảnh Trọng Ngọc |
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Đắk Nông đã hình thành được cơ sở dịch vụ du lịch tương đối đầy đủ với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ quy mô hơn 1.000 phòng, đủ sức phục vụ du khách khi diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn. Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông đã liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước hình thành nhiều tour du lịch chất lượng, trong đó nhấn mạnh đến sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng như: Du lịch thác, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp leo núi….
Thông qua các nguồn vốn đầu tư, tỉnh Đắk Nông đang dần hình thành nhiều trung tâm du lịch, khu du lịch trọng điểm như khu du lịch sinh thái thác Đăk Glun, khu du lịch sinh thái văn hoá lịch sử Nam Nung và khu du lịch sinh thái cụm thác Dray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ.
Đối với khu du lịch sinh thái thác Đăk Glun ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng, quy mô 91ha, dự án hiện đã cơ bản hoàn thành với hệ thống quán cà phê, đường nội bộ, điện chiếu sáng. Đây là điểm được ngành du lịch xác định là khu vực trọng điểm để phát triển du lịch phía Tây Nam của tỉnh và hỗ trợ tích cực cho việc kết nối tuor Tp.HCM - Đà Lạt - Tà Đùng - Đăk Glun.
Thác Đăk Glun, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông
Hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch, trong đó đáng chú ý là chương trình “Đêm Dray Sap huyền thoại” tổ chức tại khu du lịch thác Dray Sap với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo du khác trong và ngoài tỉnh và được Bộ Văn hoá - TTDL khen ngợi.
Thông qua việc phục dựng các lễ hội truyền thống, mô hình nhà truyền thống của các dân tộc, tổ chức tham quan du lịch cụm thác Dray Sáp - Gia Long trên dòng sông Sêrêpôk đã giúp du khách hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử, con người và thiên nhiên nơi đây. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa góp phần quảng bá hình ảnh Đắk Nông ra toàn quốc.
Xác định du lịch là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, năm 2014 và những năm tiếp theo tỉnh Đắk Nông dự kiến kêu gọi đầu tư 12 dự án khu du lịch và 15 dự án cụm du lịch.
Giai đoạn 2010- 2015, tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư đối với 5 dự án gồm: Khu du lịch sinh thái dọc bờ sông Sêrêpôk, thuộc địa bàn xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút; Khu du lịch sinh thái văn hóa núi Nâm Nung, thuộc địa bàn xã Nâm N' Jang, huyện Đăk Song; Điểm du lịch thác 7 tầng (Thác Len Gun) thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung; Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, thuộc địa bàn xã Đăk Som, huyện Đăk Glong với tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Khi đầu tư vào các dự án này, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Trung ương, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi của địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Đắk Nông Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam trung bộ; Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp Vương Quốc Campuchia. Lợi thế vị trí cùng với sự đa dạng văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mang đến cho Đắk Nông nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. |
IPC Đắk Nông