Theo kế hoạch, phiên đàm phán cấp Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam sẽ bắt đầu từ hôm nay đến hết ngày 10 tháng 12 năm 2013, và được nhiều đại biểu kỳ vọng sẽ là phiên đàm phán cuối cùng để có thể đi đến ký kết Hiệp định vào đầu năm 2014.
Tại hội nghị này, các Bộ trưởng phải xem xét để đưa ra quyết định trong những lĩnh vực đàm phán quan trọng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc giữa các nước tham gia đàm phán như hàng hóa, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước...
| ||
TPP là khu vưc kinh tế lớn với GDP 27.000 tỷ USD, chiếm 30% thương mại toàn cầu |
Trước khi diễn ra đàm phán tại Singapore, phiên đàm phán bổ sung (không có trong lịch trình đàm phán của năm 2013) đã diễn ra tại Salt Lake City, Mỹ vào cuối tháng 11 vừa qua, với mục tiêu cố gắng kết thúc đàm phán càng nhiều vấn đề càng tốt đã chưa thể diễn ra do vẫn còn các vấn đề tranh cãi liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường hàng hóa và sở hữu trí tuệ…
Theo ông Trần Quốc Khánh, (đoàn đàm phán TPP Việt Nam), vấn đề quan trọng nhất mà các Bộ trưởng phải quyết định là vấn đề hàng hóa vì đó là lợi ích có thể nhìn thấy được và tất cả các nước đều rất quan tâm.
Cụ thể, các Bộ trưởng phải đưa ra những quyết định tương đối khó khăn, xử lý một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia tham gia đàm phán, ví dụ như dệt may và giày dép đối với Việt Nam, sữa đối với New Zealand, đường đối với Australia, hay ô tô đối với Nhật Bản.
Đây là những mặt hàng rất quan trọng mà các bộ trưởng phải xem xét để đưa ra những nhân nhượng hay các gói đánh đổi khác nhau.
Rõ ràng, Phiên đàm phán cấp Bộ trưởng đang diễn ra tại Singapore được xem là cơ hội cuối cùng để các Bộ trưởng xem xét và đưa ra quyết định quan trọng và khả năng kết thúc được đàm phán hay không là ở phiên họp này.
Nếu đàm phán TPP kết thúc vào cuối năm nay và có thể ký kết vào năm 2014, TPP sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn với hơn 790 triệu dân, tổng GDP 27.000 tỷ USD, đóng góp 40% vào GDP và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Cơ hội gia tăng xuất khẩu, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút đầu tư của các nền kinh tế thành viên khi tham gia vào TPP là không phải bàn cãi.
Hải Yến