Trong cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp FDI vừa được VietinBank và tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức cuối tuần qua, đại diện Công ty SCAVI (Pháp), một thương hiệu trong lĩnh vực thời trang cao cấp đồ lót phụ nữ, ngoài ra còn sản xuất thêm áo quần trẻ em, đồ lót nam, trang phục thể thao…, đã bày tỏ ý định sẽ đầu tư, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, dù đã có 4 nhà máy tại Việt Nam.
| ||
Doanh nghiệp FDI ngành dệt may đang tăng tốc đầu tư nhằm đón “sóng” TPP, còn doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn dè dặt |
Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, có 54 lượt doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm hơn 530 triệu USD, trong đó có hàng chục dự án thuộc lĩnh vực dệt may.
Chẳng hạn, tháng 3/2013, Công ty TNHH Texhong Nhơn Trạch (Hồng Kông) đã quyết định tăng quy mô sản xuất kéo sợi từ 11.000 tấn sản phẩm/năm lên 35.000 tấn sản phẩm/năm. Doanh nghiệp này đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2006, với mục tiêu là sản xuất sợi các loại. Hiện Texhong Nhơn Trạch có 5 xưởng sản xuất với tổng công suất thiết kế 41.000 cọc sợi/năm, sản lượng hàng tháng là 11.000 tấn.
Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc) cũng đầu tư nhà máy tại Đồng Nai năm 2007, với mục tiêu hoạt động là sản xuất sợi vải mành, các loại sợi như: spandex, nylon, polyester; sản xuất các loại vải (không có công đoạn nhuộm) như nylon, polyester… Tháng 4/2013, doanh nghiệp này đã quyết định tăng quy mô sản xuất từ 13.300 tấn sản phẩm/tháng lên 14.200 tấn sản phẩm/tháng, đồng thời tăng diện tích đầu tư từ 685.555 m2 lên 746.845 m2…
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hầu hết doanh nghiệp dệt may thực hiện việc tăng vốn, mở rộng đầu tư trong năm nay là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Cụ thể, Công ty TNHH Texhong Nhơn Trạch, trong mấy năm gần đây, đều đạt lợi nhuận dương, riêng năm 2012 đạt doanh thu hơn 382 triệu USD, bằng 99% so với năm 2011. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đạt doanh thu năm 2012 hơn 648 triệu USD, bằng 122% so với năm 2011…
Trong khi đó, tín hiệu của việc tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất từ các doanh nghiệp dệt may trong nước có vẻ dè dặt hơn. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, mặc dù đến thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận đều vượt so với cùng kỳ, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4,7 triệu đồng/tháng…, nhưng Công ty chưa có chủ trương đầu tư mở rộng sản xuất, mà chỉ phấn đấu hoàn thành kế hoạch mà Đại hội cổ đông đã đề ra từ đầu năm…
Những năm trước, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (Bình Dương) cũng rất tích cực đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, Công ty đã có 4 nhà máy sợi tại các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, với tổng công suất thiết kế gần 150.000 cọc/năm, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi các loại, trong đó xuất khẩu 80%; đạt tổng doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.600 lao động… Tuy nhiên, tại thời điểm này, theo đại diện Công ty Thiên Nam, Công ty chỉ duy trì hoạt động sản xuất với công suất hiện có, đáp ứng các đơn hàng đã ký với đối tác để bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động.
Tương tự, Công ty Dệt may Gia Định, dù đã lên kế hoạch xây dựng Dự án Nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, Công ty đã tạm gác kế hoạch này.
Như vậy, không khó để nhận ra tương quan lực lượng trong cuộc chạy đua đầu tư đón đầu cơ hội từ TPP. Đó là lý do khiến rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, doanh nghiệp nội, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tận dụng được cơ hội từ TPP. Ngoài vốn lớn, đầu tư vào nguyên liệu như dệt nhuộm (nhằm đáp ứng yêu cầu của TPP là có vải hoàn tất) có đòi hỏi rất cao về công nghệ, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe.
Từ thực tế trên, một số chuyên gia trong ngành dệt may cho rằng, Nhà nước cần sớm có những chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất các dự án của doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sợi, dệt và nhuộm. Đồng thời, quy hoạch cụ thể về các cụm, khu công nghiệp riêng cho các dự án dệt nhuộm…
Hồng Sơn