Vẫn còn xa lạ…
Mới đây, trong chuyến tham quan Nhà máy sản xuất thuốc thú y - thủy sản Mebipha tại Khu công nghiệp Bourbon (Tây Ninh), chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Lâm Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Công ty về những định hướng phát triển của Mebipha trong thời gian tới.
| ||
Việc tham gia TPP sẽ tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. (Ảnh: Đức Thanh) |
Với quy mô đầu tư nhà máy 120 tỷ đồng theo chuẩn GMP-WHO, bà Ái kỳ vọng, Công ty sẽ có thể mở rộng địa bàn kinh doanh ra các nước lân cận.
Thế nhưng, kỳ vọng này sẽ gặp trở ngại lớn nếu Công ty không đáp ứng được các tiêu chí của TPP, khi hiệp định này có hiệu lực tại Việt Nam. Bà Ái cũng chưa có thông tin cụ thể về điều này.
Trường hợp như bà Ái không phải là hiếm. Tiếp xúc với nhiều DN, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi hỏi về các vấn đề liên quan đến TPP.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cho biết, ông có rất ít thông tin về TPP, dù ông rất quan tâm đến hiệp định này.
Doanh thu năm 2012 của Garmex Sài Gòn lên tới 50 triệu USD cho thấy, công ty này gắn với hội nhập như thế nào. Theo ông Hùng, TPP giúp Garmex Sài Gòn có cơ hội cơ cấu lại khách hàng, tìm được khách hàng phù hợp với năng lực.
Tuy nhiên, cơ hội để ông tiếp cận thông tin về TPP còn rất hạn chế. Nguyên nhân là, ngoài quy định chung của TPP ra, không ra bất cứ tuyên bố nào sau mỗi vòng đàm phán. Thêm vào đó, giới truyền thông Việt Nam cũng ít được cập nhật những thông tin chính thống.
Là người có kinh nghiệm về hội nhập quốc tế, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Vissan, kiêm Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM thừa nhận: “Khi hàng rào thuế quan dỡ bỏ, DN phải cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa sẽ bị thu hẹp, thậm chí có thể mất thị phần nội địa, nhưng các DN thành viên hầu như chưa chuẩn bị gì để đón nhận TPP”.
Đó là chưa kể những thỏa thuận và đàm phán của Việt Nam về vấn đề lao động, sở hữu trí tuệ hay môi trường sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng DN trong nước ở mọi ngành nghề khác nhau. Điều này khiến ông Lương Văn Lý, Trưởng bộ phận Thương mại và Đầu tư của Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng (TP.HCM) e ngại rằng, khi Việt Nam chính thức là thành viên của TPP, không ít DN trong nước có thể phải ngưng hoạt động vì những quy định như vậy.
Rào cản phải vượt qua
Dự kiến, khi TPP được thông qua thì triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên cả về chất và lượng. Trong đó, lĩnh vực dệt may, da giày được cho là hưởng lợi nhiều nhất khi thuế suất nhập khẩu từ 7 - 15% hiện nay sẽ về 0%. Thế nhưng, mọi chuyện không phải dễ dàng.
Là người tham gia một vòng đàm phán của TPP, có nhiều năm lăn lộn trong ngành dệt may và da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, có nhiều điểm mà DN Việt Nam phải đối mặt, trong đó nổi cộm là vấn đề xuất xứ nguồn hàng.
Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ trong TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan 0%. Đối với ngành dệt may, điều khoản đang đàm phán là nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn –forward). Theo ông Kiệt, nếu cứ theo quy tắc muốn hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước TPP, thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm ở các nước TPP. Vì vậy, hầu như chẳng có sản phẩm nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bởi vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á...
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (thành viên tham gia vòng đàm phán lần thứ 19 mới đây tại Brunei) cho hay, đối với những yêu cầu về xuất xứ hàng dệt may, giày dép và các mặt hàng khác, đoàn đàm phán đang tìm các giải pháp sao cho vừa thúc đẩy được tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ và các nước thành viên TPP sau khi Hiệp định có hiệu lực, vừa đảm bảo cho DN Việt Nam có được nguồn thu cao nhất từ cơ hội xuất khẩu đó.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, để mọi việc nói trên có thể thuận buồm xuôi gió, Việt Nam cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư vào công nghiệp phụ trợ như những dự định trước đây Chính phủ đã đặt ra. “Hơn 10 năm trước, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư vào vùng nguyên liệu cho ngành dệt may. Nhưng khi triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn, khiến việc này vẫn dừng lại ở dự định”, ông Kiệt cho biết.
Còn đối với ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may như một giấc mơ dang dở vì những rào cản chính sách.
Ông Hùng cho biết, việc Garmex xin phép đầu tư các dự án dệt nhuộm đều bị chính quyền địa phương từ chối, với lý do là dự án phải đạt mức tiêu chuẩn nước thải loại A (nước có thể uống được), trong khi khả năng của DN chỉ có thể xử lý nước thải ở mức B (nước có thể trồng rau, nuôi cá). Trong khi đó, nếu DN Việt Nam không chuẩn bị tốt, thì khi TPP có hiệu lực, chính rào cản về vùng nguyên liệu và xuất xứ sản phẩm sẽ là điều kiện tốt cho các DN FDI hưởng lợi.
Mới đây, một loạt DN nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, như Công ty Kyungbang (Hàn Quốc), Texhong (Hồng Kông - Trung Quốc), Sunrise (Trung Quốc)..
. Không chỉ vậy, theo thông tin của ông Kiệt, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các DN Mỹ đang muốn xây dựng một nhà máy sợi với quy mô lớn tại Việt Nam. Điều này cho thấy, DN nước ngoài rất muốn tận dụng nhân lực giá rẻ, sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam và xuất ngược về quốc gia của họ.
Sẵn sàng chuyển mình?
Trở lại câu chuyện với bà Lâm Thúy Ái. Những ngày gần đây, bà đã nghiên cứu nhiều tài liệu về TPP và đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển mình này. “Nếu TPP có hiệu lực, thì Mebipha cũng như các DN khác không còn cách nào là phải đón nhận”.
Liên quan vấn đề này, ông Văn Đức Mười lưu ý, theo quy tắc về các chỉ dẫn địa lý, ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ. “Các thương hiệu như tỏi Lý Sơn, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cam Vinh, hoa Đà Lạt... nếu không may bị ai đó nhanh chân đăng ký trước, thì DN Việt Nam sẽ không còn được sử dụng các tên gọi đó nữa”, ông Mười phân tích. Để hạn chế điều này, theo ông Mười, ngay từ bây giờ, các DN phải hiểu quy định để chuẩn bị.
Tuy vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng, nhưng ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh rằng, DN phải đón nhận TPP, vấn đề là làm thế nào để thấy được cơ hội và thách thức. “Chính phủ cần phải có những quyết sách quyết liệt và cần người nhạc trưởng tài ba để điều hành việc này. DN nào hiểu được và nhanh chân tận dụng được cơ hội từ TPP thì sẽ hưởng lợi lớn”, ông Kiệt nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người có nhiều kinh nghiệm về đàm phán thương mại và tiếp xúc với nhiều DN băn khoăn nhất về việc DN sẽ tiếp cận những cơ hội đến từ TPP như thế nào.
“Năm 2002, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, DN đã tận dụng cơ hội rất tốt. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, kết quả nhận được lại không khả quan. Tôi mong TPP là cú hích mới như BTA, chứ không như WTO”, bà Lan nói.
Đối với DN, TPP có lẽ là hiệp định tự do thương mại đầu tiên có riêng một phần về các DN nhỏ và vừa. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, không ai có thể “khuyên bảo” các DN một cách thật cụ thể cần phải làm gì, vì mỗi ngành nghề, mỗi DN có những đặc điểm riêng. Chỉ có họ, sau khi tìm hiểu thật kỹ các quy định của TPP, thì mới rút ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình để tận dụng cơ hội theo hướng khả thi nhất.
Lê Tân - Vũ Anh