Dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đào Lý Sơn nhiều lần điều chỉnh vẫn không hoàn thành đúng tiến độ. |
Khan hiếm nước ngọt
Nắng nóng kéo dài khiến người dân ở huyện Lý Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm cách duy trì sản xuất khi nguồn nước ngày càng khan hiếm.
Bà Phạm Thị Trường (huyện Lý Sơn) cho hay, nắng nóng kéo dài khiến đa số giếng nước ở đây bị khô cạn, nhiễm mặn nên người dân chuyển từ trồng hành sang trồng bắp để đỡ nước tưới. Tuy nhiên, vẫn không đủ nước tưới, nhiều hộ phải bỏ tiền ra mua nước từ các hộ lân cận với giá khoảng 120.000 đồng/giờ tưới.
Vài năm trở lại đây, nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) dần cạn kiệt, đời sống của người dân trên đảo ngày càng khó khăn.
“Nhiều người trên đảo sống bằng nghề nông, trồng hành, tỏi…, nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Không những vậy, trong những ngày này, nước sinh hoạt trên đảo cũng khan hiếm”, bà Nguyễn Thị Thiện (huyện Lý Sơn) nói.
Tình trạng thiếu nước ngọt và nhiễm mặn lan rộng toàn đảo Lý Sơn khiến 325 ha đất nông nghiệp và hơn 22.000 dân trên đảo phải chịu cảnh “khát” nước ngọt.
Từ nhiều năm trước, để có nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cư dân trên đảo đã dò tìm mạch nước, đào giếng bên bờ biển. Nhưng số lượng giếng nước càng tăng thì đảo lại càng khát, nhiễm mặn gia tăng. Do đó, năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép.
Tính đến nay, đảo Lý Sơn đã lên tới hơn 2.100 giếng (mật độ trên 210 giếng/km2).
Dự án 75 tỷ tiếp tục xin điều chỉnh
Trong khi tình trạng nước ngọt đang rất khan hiếm thì Dự án “giải khát” trên đảo lại dở dang suốt nhiều năm qua.
Cụ thể, năm 2017, Dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đào Lý Sơn được triển khai thực hiện với mức đầu tư 75 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 45 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2020, dự án mới thực hiện đạt khoảng 21% khối lượng và tạm dừng mãi cho đến nay.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương thừa nhận: Dự án chậm trễ do công tác khảo sát chưa kỹ, chưa bám sát đồ án quy hoạch được phê duyệt và khó khăn trong lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Trong đó, điều chỉnh mở rộng bể chứa nước số 1 từ 6.790m2 lên 22.908 m2, không thực hiện bể chứa nước số 2, bổ sung bể chứa nước 2A (tại chân núi Giếng Tiền) và bể chứa nước số 3 (tại Đồng Thầu Đâu).
Nhưng quá trình thực hiện điều chỉnh lại phát hiện bể chứa nước 2A nằm trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền nên tiếp tục điều chỉnh, không thực hiện bể này mà mở rộng bể nước 3 từ 16.31 2m2 lên 51.644 m2.
Theo bà Hương, dự án đang tạm dừng thi công còn do huyện Lý Sơn chờ phê duyệt của Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 theo quyết định điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất để có cơ sở cập nhật, tiến hành làm các bước điều chỉnh dự án.
Đáng chú ý, dự án được điều chỉnh dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 60 - 70% so với thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên ở mức 75 tỷ đồng.
Theo ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, quá trình thực hiện, dung tích bể có điều chỉnh nên quy mô hưởng lợi của dự án bị thu hẹp, tức giảm diện tích được tưới tiêu và số lượng người dân được cấp nước.
Ông Hùng cho rằng, cần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và bổ sung hạng mục phân phối, cấp nước đến các hộ dân (lúc đầu dự án chưa tính đến).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đã nhận được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh dự án của chủ đầu tư cùng các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, xét thấy còn nhiều vấn đề chưa rõ nên tỉnh chưa đồng ý các đề xuất trên.
Ông Minh yêu cầu huyện Lý Sơn phải có báo cáo tổng thể, toàn diện và làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, lập dự án khi trình chủ đầu tư.
Sau khi có báo cáo giải trình của đơn vị tư vấn lập dự án, huyện Lý Sơn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, nhận khuyết điểm rõ của cơ quan, đơn vị nào. Thời gian chậm nhất trước ngày 30/5.
“Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến các đơn vị có liên quan, bởi lẽ thời điểm lấy ý kiến để cấp quyết định chủ trương đầu tư, cả 7 sở của tỉnh Quảng Ngãi đều ủng hộ dự án”, ông Minh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chủ động phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát toàn diện dự án, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết vướng mắc theo hướng kết thúc hoặc điều chỉnh mục tiêu, thời gian để tiếp tục triển khai dự án.