Điểm nóng
Dang dở đường cứu hộ, cứu nạn tại huyện Lệ Thủy
Ngọc Tân - 23/07/2023 10:00
Do không được tiếp tục cấp vốn sau khi hết hạn, dự án đường cứu hộ, cứu nạn tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đành “đứt quãng” giữa chừng.
Hạng mục cầu Tân Dương đang được thi công dở dang.

Thi công dang dở

Là địa phương thường xuyên chịu cảnh lũ lụt hàng năm, trong đó có những trận lũ lớn mang tính lịch sử như trận lũ diễn ra vào tháng 10/2020, làm thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, gây ách tắc giao thông cục bộ trên địa bàn. Do vậy, việc triển khai tuyến đường cứu hộ, cứu nạn nối Quốc lộ 1A với các khu vực vùng trũng đã được huyện Lệ Thủy đề xuất từ lâu. Tuy vậy, đến năm 2019, dự án mới chính thức được phê duyệt.

Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến khu di tích chiến thắng Xuân Bồ, kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, được HĐND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 67/NQ- HĐND ngày 30/9/2019 và giao UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư.

Đến tháng 11/2020, Dự án được UBND huyện Lệ Thủy phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán tại Quyết định số 4460/QĐ-UBND. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư là 80 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2018, thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2019 - 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, nguồn vốn còn lại của dự án đường cứu hộ cứu nạn đã bị thu hồi triệt để do hết hạn. Khu vực huyện Lệ Thủy thường xuyên chịu cảnh lũ lụt, nhiều vùng dân cư bị cô lập khi lũ lụt xảy ra. Do đó, việc triển khai tuyến đường này là hết sức quan trọng. Tỉnh sẽ tính toán, xem xét các phương án để phấn đấu hoàn thiện dự án.

Dự kiến, sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đảm bảo nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, giải quyết tình trạng ách tắc trong mùa lũ và cứu hộ. Đồng thời, về lâu dài, tuyến đường sẽ kết nối và phát huy tiềm năng giá trị của các điểm du lịch trong vùng (chùa Hoằng Phúc, di tích lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu du lịch suối nước nóng Bang).

Mặc dù được đánh giá là có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết ách tắc giao thông và tình trạng cô lập khu vực trong mùa mưa lũ, nhưng chỉ sau hơn 1 năm thi công, Dự án lại phải tạm dừng thực hiện. Trên thực địa, Dự án mới chỉ hoàn thành được một phần nền đường và một số trụ móng hạng mục cầu trên tuyến. Một số hạng mục nền đường, mố, trụ và dầm cầu Tân Dương do trải qua nhiều năm thi công dang dở, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa nắng, lũ lụt, nên đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, các thanh sắt bắt đầu bị hoen rỉ.

Đáng chú ý, tại vị trí thi công cầu Tân Dương cắt qua mặt đường dân sinh đi vào thôn Bình Minh, xã Dương Thủy, việc làm mố cầu dẫn đến phải nắn đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo UBND huyện Lệ Thủy, tính đến thời điểm Dự án bị tạm dừng triển khai, đến nay, khối lượng thực hiện của tất cả các nhà thầu đạt 49,5% khối lượng theo hợp đồng đã ký kết.

“Các hạng mục nền đường K95 đã thi công đạt 89%, nền đường K98 đạt 29%; hệ thống cống thoát nước đạt 90%; cầu Sao Vàng đúc được 50% khối lượng cọc bê tông cốt thép; cầu Tân Dương đã thi công hoàn thiện cọc khoan nhồi của mố M1, M2, thi công hoàn thiện thân trụ, thi công hoàn thiện 8/8 phiến dầm và đang tập kết tại bãi đúc dầm. Giá trị nghiệm thu và giải ngân toàn bộ dự án được 47,7 tỷ đồng. Trong đó có tạm ứng ngân sách huyện 3 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, số vốn còn lại, Chính phủ không cho phép giải ngân là 35,2 tỷ đồng”, báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy cho biết.

 Mong muốn sớm hoàn thiện dự án

Lý giải về nguyên nhân dự án trọng điểm bị đứt quãng giữa chừng, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, do dự án đã hết thời hạn thực hiện (cuối năm 2020) nên đã bị Trung ương cắt vốn.

“Vì là công trình nhóm B, nên quy trình thủ tục phê duyệt phải thực hiện hai bước, thời gian để phê duyệt và lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công bị kéo dài. Cùng với đó, thời điểm khảo sát thiết kế công trình bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, đến giai đoạn giữa năm 2020 huyện Lệ Thủy lại xảy ra lũ lụt lịch sử nên các công việc liên quan đến dự án lại tiếp tục bị gián đoạn dài hơn, dẫn đến cuối tháng 12/2020 mới thực hiện xong quy trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật. Đến khi ấy thì sắp hết hạn dự án”, ông Tình nói.

Theo ông Tình, sau khi hết thời hạn dự án, UBND huyện Lệ Thủy đã kiến nghị lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình để đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân. Đến ngày 19/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn trả lời cho biết, Quốc hội đã phê chuẩn kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu của dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Bình chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án.

Cũng theo ông Đặng Đại Tình, Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến khu di tích chiến thắng Xuân Bồ, kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò hết sức quan trọng, phục vụ cho việc triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trong mùa mưa lũ của huyện. Do đó, trong điều kiện ngân sách huyện còn khó khăn, UBND huyện Lệ Thủy kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công hoàn thiện dự án.

Tin liên quan
Tin khác