Quốc tế
Đánh giá kinh tế Mỹ đã tốt lên, Fed neo lãi suất gần về 0
Lê Quân - 29/07/2021 13:50
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lãi suất cơ bản ở ngưỡng gần 0, vì cho rằng, nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những lo ngại về sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: AFP

Đúng như dự kiến, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Fed hôm 28/7 đã kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày bằng quyết định giữ lãi suất trong ngưỡng mục tiêu từ 0 đến 0,25%.

Cùng với đó, Ủy ban Thị trường mở liên bang nêu trong một tuyên bố được nhất trí thông qua rằng nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục "mạnh lên".

Bất chấp sự lạc quan về nền kinh tế, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này không có khả năng xem xét tăng lãi suất.

"Cách tiếp cận của chúng tôi ở đây là phải minh bạch hết mức có thể", ông Powell nhấn mạnh. "Chúng tôi thấy có một số vấn đề để đạt được điều đó", Chủ tịch Fed nói thêm.

"Sự cải thiện đáng kể hơn nữa" về lạm phát và việc làm là tiêu chuẩn mà Fed đã đặt ra trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc giảm tốc độ và sau đó là ngừng chương trình mua vào trái phiếu hàng tháng và cuối cùng là tăng lãi suất.

Tuy nhiên, tuyên bố lần này của Fed chỉ ghi nhận "sự cải thiện" về lạm phát và việc làm, nhưng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để cân nhắc các mục tiêu đề ra.

"Sự cải thiện" về việc làm và lạm phát được coi là một dấu hiệu để Fed cân nhắc thay đổi chính sách, đặc biệt liên quan đến chương trình mua vào trái phiếu hàng tháng đang được thực hiện.

Các thị trường tài sản đang theo dõi quan điểm của Fed về sự lây lan biến thể Delta của Covid-19, nhưng Powell và các đồng nghiệp lại tương đối lạc quan, ít nhất là về mối đe dọa mà virus này gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đà suy giảm của chứng khoán Mỹ đêm qua đã hao hụt sau những đánh giá của Chủ tịch Fed về nền kinh tế và khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Chỉ số Dow Jones rơi vào vùng tiêu cực, nhưng hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn tăng điểm.

Chủ tịch Fed nhận ra mối đe dọa của đại dịch đang gia tăng, nhưng lại không cho rằng dịch bệnh gây ra tác động kinh tế lớn.

"Những gì chúng tôi đã thấy là với những làn sóng liên tiếp của Covid-19 trong năm qua và những tháng gần đây, các tác động kinh tế từ mỗi làn sóng này có xu hướng ít đi", ông Powell nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

"Chúng ta đã học được cách sống chung với nó", Chủ tịch Fed nói.

Trong một động thái riêng, Fed cho biết họ sẽ thành lập 2 đơn vị thường trực về hợp đồng mua lại (Repo), một cho thị trường trong nước và một cho các cơ quan nước ngoài và quốc tế. Hai đơn vị này cho phép các tổ chức trao đổi tài sản thế chấp chất lượng cao, chủ yếu là trái phiếu kho bạc trong trường hợp chào bán trong nước.

Khả năng cao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất cho đến cuối năm 2022 đang thôi thúc các nhà đầu tư tìm kiếm manh mối về thời điểm mà cơ quan này sẽ bắt đầu thu hẹp các khoản mua vào trái phiếu hàng tháng.

Fed hiện bỏ ra ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu, trong đó ít nhất 80 tỷ USD mua trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD còn lại đổ vào chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS). Những người chỉ trích Fed cho rằng việc mua vào các tài sản thế chấp của cơ quan này đang gây ra thêm bong bóng nhà ở ở Mỹ bởi giá nhà ở đang ở mức kỷ lục mặc dù doanh số đã sụt giảm trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Một số quan chức Fed cho biết họ sẵn sàng cắt giảm mua vào các khoản thế chấp. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed nhiều lần khẳng định rằng việc mua vào tài sản thế chấp chỉ gây ra ảnh hưởng tối thiểu đến thị trường nhà ở. Ông không hy vọng Fed sẽ bắt đầu giảm các khoản nợ thế chấp trước khi ngân khố giảm dần.

Đối với nền kinh tế Mỹ, Fed vẫn giữ vững quan điểm của mình,mặc dù kinh tế Mỹ đã đạt một số mức tăng trưởng nhanh nhất sau Thế chiến thứ Hai.

Số liệu GDP quý II/2021 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 29/5. Theo ước tính của Dow Jones, kinh tế Mỹ trong quý II sẽ tăng trưởng 8,4%. Đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm 1983, nếu không tính mức tăng trưởng vượt bậc trong quý III/2020 khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

Fed đang phải đối mặt với nỗi lo lạm phát ngày càng tăng, với giá tiêu dùng đang ở mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thế nhưng, các quan chức Fed vẫn khẳng định mức lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng phần nào được cởi bỏ, nhu cầu trở lại mức bình thường, và một số mặt hàng, đặc biệt là giá ô tô đã qua sử dụng quay trở lại mức thông thường.

Tin liên quan
Tin khác