Đào chiều tăng giữa phiên u ám của thị trường châu Á
Phiên giao dịch ngày 23/8 không mấy dễ dàng với đa phần các thị trường chứng khoán châu Á. Các nhà đầu tư đứng giữa sự lo lắng của khả năng lạm phát đạt đỉnh, cũng như động thái của các ngân hàng trung ương để kiểm soát lạm phát.
Chứng khoán Việt Nam giằng co trong biên độ hẹp ở phần lớn thời gian giao dịch. Dù sắc đỏ chiếm ưu thế gần như toàn bộ phiên nhưng lực cầu áp đảo ở tiếng giao dịch cuối cùng đã giúp thị trường lật ngược thế cờ.
Cả ba chỉ số đều đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường châu Á tăng điểm đến cuối phiên. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản), KOSPI (Hàn Quốc) hay Úc đều giảm trên 1%. Trong khi đó, một số thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á lại khá tích cực như Thái Lan (+1,07%), Indonesia (+0,78%).
VN-Index - chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam tăng 10,38 điểm (0,82%) lên 1.270,81 điểm. HNX-Index tăng 4,41 điểm (1,5%) lên 299,14 điểm. UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,61%) lên 92,78 điểm. Số lượng mã cổ phiếu tăng điểm áp đảo với 556 mã tăng, 35 mã tăng trần; trong khi chỉ có 231 mã giảm và 8 mã giảm kịch biên độ.
Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu hồi phục mạnh ở cuối phiên. Đặc biệt là cổ phiếu nhóm chứng khoán. Sau hai phiên giảm liền trước, VCI tăng 6,7%, VDS và MBS đều tăng trên 5%. HCM tăng 2,9%, SSI tăng 2,8%... Thời điểm rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán đang đến rất gần.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, quy chế thanh toán mới có hiệu lực từ ngày 29/8/2022. Theo đó nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày 25/8/2022 (ngày T+0) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/8/2022 (ngày T+2) để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày. Kỳ vọng thanh khoản cải thiện nhờ quy chế mới là động lực cho cổ phiếu chứng khoán nhiều “sóng hồi” vừa qua.
Cổ phiếu thép, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp hay nhóm hưởng lợi từ đầu tư công đều hồi phục mạnh khi đồng loạt tăng vài phần trăm.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất là BID, VNM, GAS, BCM, PLX. Ở chiều ngược lại, ông lớn có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường là Vingroup là tội đồ kéo VN-Index đi xuống. Tuy nhiên, sắc xanh lan tỏa diện rộng cùng sự hồi phục của loạt cổ phiếu lớn đã dễ dàng bù đắp tác động tiêu cực do VIC gây ra.
Trên sàn HNX, cổ phiếu chứng khoán và dầu khí là đầu tàu kéo chính. SHS đã có phiên rơi sâu hôm qua sau thông tin doanh nghiệp này lỗ ròng nửa đầu năm dẫn đến việc SHS bị loại khỏi danh sách cổ phiếu được phép ký quỹ.
Giao dịch sôi động về cuối phiên, khối ngoại giải ngân mạnh vào VNM
Cùng với sự hồi phục mạnh mẽ về điểm số cuối phiên, giá trị giao dịch trên thị trường cũng sôi động hơn đáng kể. Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt gần 17.010 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 15.400 tỷ đồng, giảm 2,8% so với phiên trước.
Các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là VND (563 tỷ đồng), HPG (390 tỷ đồng), VNM (340 tỷ đồng), HCM (317 tỷ đồng)…
Khối ngoại bán ròng 113,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu được giải ngân mạnh như VNM với giá trị mua ròng 162 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lượng cổ phiếu VHM hay CTG lại bị bán ra khá lớn, lần lượt là hơn 45 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.