Sốt cục bộ
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hầu hết giá trị đất nền trong dự án tại các vùng đều biến động tăng khoảng 10%. Khu vực quận Cầu Giấy giá trung bình là khoảng 180-200 triệu đồng/m2; khu vực quận Từ Liêm, Tây Hồ giá trung bình 120-150 triệu đồng/m2.
Khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì giá trung bình 25-50 triệu đồng/m2; khu vực quận Long Biên, Gia Lâm giá trung bình 30-50 triệu đồng/m2; khu vực huyện Đông Anh giá trung bình 30 triệu đồng/m2.
Nhiều dự án đất nền tại quận Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ... vừa mở bán đầu năm 2018, hiện mức giá chênh cũng được đẩy lên vài trăm triệu đến 2,5 tỷ đồng/căn,...
Nhiều dự án chưa xong hạ tầng đã sốt |
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cho thấy, phân khúc biệt thự và liền kề hoạt động tốt trong năm 2017. Tổng nguồn cung phân khúc này trên thị trường đạt hơn 40.400 căn, tăng hơn 15% so với năm 2016.
Theo ông Dương Đức Hiển, Trưởng bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam, các địa bàn quanh khu vực Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đều có câu chuyện là đất nền biến động, tương đối sôi động trong thời gian vừa qua.
Ông Hiển nhận định, tình trạng sốt trong thời gian vừa qua kể cả đối với đất nền ở đây vẫn mang tính cục bộ. Tuy nhiên đất nền một số địa phương có tăng thật nhưng họ tăng là có cơ sở. Đơn cử ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên hay Hải Dương đều là những tỉnh phát triển rất mạnh về các khu công nghiệp.
Cũng giống như các tỉnh phía Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Dương ngoài việc tập trung rất nhiều các khu công nghiệp còn kể đến họ có tuyến đường Metro kết nối từ trung tâm thành phố ra đến khu công nghệ cao. Tất cả những điều đó là những yếu tố cấu thành nên câu chuyện giá đất nền tăng mà không có lý do nào khác.
Còn đối với những khu vực hạ tầng kết nối không có, quy hoạch không có, định hướng phát triển trong tương lai không rõ ràng mà tự nhiên giá đất tăng thì đương nhiên do làm giá.
Sốt nhưng chưa nóng
Trước lo ngại của cơn sốt bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường hiện nay chưa thể xảy ra bong bóng. Trong khi đó, theo đại diện CBRE Việt Nam, phân khúc đất nền Hà Nội đang phải cạnh tranh trực tiếp với các loại hình bất động sản khác là căn hộ để bán và đất thổ cư trong nội thành.
Nhiều dự án bỏ hoang sau cơn sốt |
Theo CBRE, phần lớn người mua nhà trong thời gian gần đây là những người có nhu cầu thực, mua để ở, do vậy họ quan tâm, chú trọng nhiều hơn vào cảnh quan nơi họ sinh sống cũng như các dịch vụ tiện ích của dự án. Những căn hộ chung cư đã hoàn thiện trong khu đô thị với đầy đủ cơ sở hạ tầng, tiện ích, gần trung tâm thành phố vì vậy cũng được ưa thích hơn so với các lô đất nền.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, về bản chất, thị trường bất động sản Hà Nội có sự ổn định hơn so với các thị trường tại các khu vực khác.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, nhận định, đất nền, biệt thự, liền kề ở một số khu vực có dấu hiệu sốt ảo, xuất hiện hiện tượng giá bị đẩy lên cao. Thị trường đất nền thường xuyên xảy ra tình trạng khi nghe có quy hoạch thì nhà đầu tư đổ xô vào mua.
"Có một thực tế là ở các khu vực được coi là xảy ra sốt thì trước đây vẫn còn lượng hàng tồn khá lớn. Vì vậy, không không phải thị trường khan hiếm, mà vẫn còn nhiều, nên hiện tượng sốt hàm chứa mức độ rủi ro không nhỏ", bà Hằng nhận định.
Còn ông Nguyễn Đức Hiển cảnh tỉnh và khuyến nghị tới các nhà đầu tư là thời điểm hiện nay khác ngày xưa rất nhiều. Cái mà nhà đầu tư cần quan tâm trong giai đoạn này là trước khi đầu tư nên tìm hiểu kỹ, xem thực tế có tiềm năng không.
Ông Đức khuyến nghị nếu muốn tham gia đầu tư lướt sóng phải có vốn, không có vốn thì đừng nên tham gia. Nếu muốn tham gia chỉ nên xác định rõ trong đầu là mình chỉ đầu tư mức này thôi, chấp nhận được mất, như vậy mới đảm bảo an toàn. Còn với những người danh dụm được số vốn nhất định mà lao vào cuộc chơi này là không nên.