Thời sự
Đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn tình trạng di dân tự do
An Nguyên - 06/10/2020 23:25
Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản không còn tình trạng di dân tự do.
TIN LIÊN QUAN
Một góc Mường Nhé (Điện Biên).

Năm 2011, huyện Mường Nhé (tỉnh Điên Biên) có hàng ngàn hộ dân từ các địa phương khác đến địa bàn, ảnh hưởng tới trật tự an ninh xã hội, nhưng giai đoạn 2015 - 2020 đã ổn định và phát triển.

Đó là một ví dụ điển hình được nêu tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do các vùng miền núi và trung du, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo, thời điểm trước khi Nghị quyết được ban hành, đã xuất hiện tình trạng dân di cư tự do với số lượng lớn, đặc biệt từ sau năm 1990 đã có hàng chục nghìn hộ dân từ nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đã di cư đến các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Mường, ... và tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nguyên. Giai đoạn 1996 - 2000 có khoảng 18.000 hộ di cư/năm, sang giai đoạn 2005-2014 là khoảng từ 4.000 đến 5.000 hộ dân di cư tự do/năm.

Tình trạng dân di cư tự do đã dẫn đến nhiều hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, hủy hoại môi trường, phát sinh nhiều điểm nóng về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, phá rừng.

Điển hình, tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tháng vào 5/2011, lợi dụng việc chưa kịp thời giải quyết một số khó khăn, bức xúc về đời sống, sản xuất của đồng bào, các thế lực thù địch bên ngoài đã tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lừa gạt, lôi kéo, tụ tập trái phép, khoảng 7.000 người dân tộc Mông ở các tỉnh vùng Tây Bắc và một số tỉnh vùng Tây Nguyên di cư tự do đến đây, tạo thành điểm nóng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, kết quả được Chính phủ báo cáo là công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tích cực, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Cả giai đoạn 2015-2020 chỉ còn 3.307 hộ di cư tự do, trung bình mỗi năm có khoảng 550 hộ di cư tự do. Năm 2015 là 965 hộ, năm 2016 là 401 hộ, năm 2017 là 318 hộ, năm 2018 là 238 hộ, năm 2019 là 104 hộ và và 9 tháng đầu năm 2020 là 14 hộ.

Như vậy, trong giai đoạn 2015-2020, tình trạng dân di cư tự do đã giảm đến trên 10 lần so với các năm giai đoạn trước năm 2015. Nhiều huyện, xã ở các tỉnh Tây Nguyên trước đây là các điểm nóng về dân di cư tự do thì vài năm trở lại đây đã không còn dân di cư mới đến. Đa số các hộ chưa được bố trí sắp xếp ổn định tại 2 vùng này đều là các hộ dân di cư đến từ giai đoạn trước năm 2015, Chính phủ đánh giá.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội còn một số hạn chế, khó khăn. Đó là số hộ dân đã di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch còn nhiều (khoảng hơn 20.000 hộ), chưa được cấp sổ hộ khẩu và chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Thu nhập của người dân vùng di cư tự do còn thấp, đạt chưa bằng 50% bình quân chung của cả nước, tỷ lệ nghèo còn cao. Người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng bình quân diện tích đất ở, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp, đời sống văn hóa còn nghèo nàn.

Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 20.308 hộ, riêng ở Tây Nguyên là 18.396 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Tin liên quan
Tin khác